Bây giờ tôi có bằng chứng chứng minh việc ngoại tình và quan hệ bất chính trong khoảng thời gian dài vậy tôi có thể kiện và giành quyền nuôi con được không? Với lý do vợ tôi không đủ đạo đức nhân phẩm để nuôi dạy con cái….
Câu hỏi:
Tôi và vợ tôi đăng ký kết hôn năm 2007, đến năm 2014 tôi đi công tác xa nhà, Vợ tôi đã có tư tình với 1 người làm cùng cơ quan ( cũng đã có vợ ), đến tháng 12 tôi bắt quả tang 2 người đã có quan hệ bất chính 2 người đã viết bản cam kết thừa nhận và tôi đã tố cáo sự việc trên trước tổ chức Đảng và cơ quan 2 người công tác,nay đang trong thời gian xác minh xử lý vụ việc, tôi đã làm đơn xin ly hôn đơn phương ra tòa.
Hiện nay 2 vợ chồng tôi có 2 đứa con gái:1 cháu sinh năm 2008, 1 cháu sinh năm 2014. Theo luật thì cháu bé dưới 3 tuổi do mẹ nuôi,đứa lớn trên 7 tuổi thì được quyền lựa chọn. Vợ tôi đòi dành quyền nuôi cả 2 cháu, cháu lớn 8 tuổi cũng muốn ở với mẹ. Bây giờ tôi có bằng chứng chứng minh việc ngoại tình và quan hệ bất chính trong khoảng thời gian dài vậy tôi có thể kiện và giành quyền nuôi con được không? Với lý do vợ tôi không đủ đạo đức nhân phẩm để nuôi dạy con cái. Về công việc thì cả tôi và vợ tôi đều ổn định.
Rất mong được sự tư vấn của luật sư ạ.
Trả lời:
Chào bạn,
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty luật Newvision, đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin được đưa ra ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Như vậy có thể thấy Cụ thể Tòa án sẽ xem xét một cách tổng hợp trên 03 (ba) phương diện sau đây để quyết định việc trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng:
1) Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, điều kiện học tập, sinh hoạt,…các yếu tố đó dựa trên tài sản, thu nhập và chỗ ở của cha mẹ;
2) Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí,trình độ học vấn, nhân cách đạo đức,… của cha mẹ
3) Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên)
Lưu ý: Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác
Như vậy, để giành được quyền nuôi con bạn cần chứng mình được khi ở với bạn con bạn sẽ được phát triển đảm bảo về mọi mặt hơn ở với vợ bạn, mà vấn đề bạn trình bày đó là vợ bạn có ngoại tình không được xem là một trong những căn cứ để giành quyền nuôi con tuy nhiên cũng có thể được xem là 1 lợi thế đối với bạn khi có tranh chấp về quyền nuôi con.
Nhưng cũng như bạn trình bày thì hiện nay con nhỏ của bạn chưa đủ 3 tuổi nên vợ bán sẽ được ưu tiên quyền nuôi con, và con lớn của bạn trên 7 tuổi lại có nguyện vọng ở với mẹ nên tòa cũng sẽ xem xét nguyện vọng của cháu.
Tuy vậy, nếu bạn chứng minh được điều kiện của bạn đảm bảo nuôi con tôt hơn vợ bạn thì tào án cũng sẽ xem xét giải quyết./
Trường hợp tòa xử quyền nuôi hai con đều thuộc về vợ bạn thì bạn có thể đợi con nhỏ của bạn đủ 3 tuổi trở lên sẽ gửi đơn đến tòa yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về trường hợp của bạn, hy vọng bạn sẽ sớm giải quyết được vấn đề.
Trân trọng !