Các bệnh về mũi tuy không nguy hiểm nhưng nếu các mẹ không có biện pháp chữa trị đúng lúc thì tình trạng bệnh sẽ kéo dài, làm trẻ mệt mỏi hơn. Vì vậy, các mẹ nên chủ động phòng tránh cho bé các bệnh này bằng cách thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ; hạn chế đưa trẻ vào những nơi có không khí ô nhiễm, khói thuốc lá.
Ngạt mũi
Thông thường, bố mẹ rất chủ quan khi con mình bị ngạt mũi vì nghĩ rằng chỉ là triệu chứng nhẹ và trẻ sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tai mũi họng, đây là một dấu hiệu cần được quan tâm theo dõi vì có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm như khối u, trẻ bị mắc dị vật trong mũi…
Xem thêm:
Nguyên nhân của việc ngạt mũi là do lượng chất nhầy trong hốc mũi tiết ra quá nhiều. Các màng nhầy lót bên trong lỗ mũi trở nên sưng tấy, phù nề và sung huyết gây nên ngạt mũi.
Cách chữa trị:
– Khi bé bị tắt hoặc ngạt mũi bố mẹ cần phải nhỏ thuốc co mạch trước, sau đó khoảng 1 – 2 phút mới thực hiện xì mũi. Khi xì mũi không nên quá mạnh vì có thể gây chảy máu mũi cho trẻ.
– Cách xì mũi đúng là chỉ bịt một lỗ mũi, để lỗ bên kia thoáng; hơi cuối đầu, ngậm miệng rồi thở mạnh ra. Sau đó đổi bên và làm giống như vậy, mỗi bên làm khoảng 2 – 3 lần khi đã cảm thấy sạch.
Chứng ngạt mũi khiến trẻ khó chịu, quấy khóc
Chảy máu cam
Đa số các trường hợp chảy máu cam là do trẻ bị thiếu vitamin C và hay ngoáy mũi nên có thể làm ngưng dễ dàng. Tuy nhiên, có vài trường hợp bé bị chảy máu cam nhiều và kéo dài hơn 30 phút hoặc sau một cú va chạm vào đầu và bé bị chảy máu thì bố mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Cách chữa trị:
– Đặt bé nằm ngửa, ngả đầu về phía trước. Sau đó, mẹ bóp nhẹ phần mềm mũi của trẻ, giữ một lúc cho tới khi máu ngưng chảy rồi nhét một cục bông gòn nhỏ vào lỗ mũi, cho bé ngồi ngửa rồi lấy một chiếc khăn mặt ẩm, mát đắp lên sống mũi.
– Mẹ lưu ý không để bé xì mũi ít nhất là ba tiếng sau khi bị chảy máu cam. Khi bé bị chảy máu, đừng ngửa đầu bé ra phía sau và nên ngửa đầu bé một cách nhẹ nhàng, từ tốn để tránh việc bé có thể nuốt máu vào và sẽ buồn nôn. Những trường hợp trẻ bị chảy máu nặng, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng do tiếp xúc với các dị nguyên như bụi, các loại thực phẩm (trứng, các loại hải sản…), thuốc, phấn hoa, sự thay đổi các yếu tố của môi trường, tinh thần căng thẳng, nội tiết tố, vi khuẩn, lông thú, virus…
Bệnh làm cho trẻ bứt rứt, khó chịu, kén ăn, chảy nước mắt, hắt hơi nhiều, ho, nói giọng mũi và suy giảm khứu giác, có khi mất khứu giác, đôi khi còn dẫn đến trẻ bị nôn trớ và tiêu chảy. Bệnh này rất hay gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Trẻ có thể bị ho kéo dài vài ngày rồi mới thuyên giảm. Thời tiết giao mùa, nhiệt độ nóng lạnh thất thường là lúc trẻ dễ bị mắc viêm mũi nhất.
Cách chữa trị:
– Bệnh viêm mũi thường xảy ra lúc thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường. Nên để đề phòng bệnh viêm mũi cho trẻ, mẹ nên giữ ấm, tránh gió lạnh lùa trực tiếp vào cổ họng.
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi để tránh bé hít phải bụi bẩn. Mẹ nên dạy bé không được dùng tay ngoáy mũi vì sẽ dễ gây tổn thương niêm mạc mũi.
– Mẹ cũng nên thường xuyên vệ sinh mũi, loại bỏ gỉ mũi và chất nhầy cho bé. Khi vệ sinh rửa mũi, các mẹ nên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh mũi sẽ góp phần tránh các bệnh viêm nhiễm hô hấp như viêm mũi, nghẹt mũi, hắt xì, viêm xoang….
– Khi trẻ bị viêm mũi với các triệu chứng kéo dài (trên 7 ngày) có kèm theo các triệu chứng nặng hơn như đau tai, khàn tiếng, khó thở,… thì có thể bệnh tình đã chuyển biến nặng, phải kịp thời đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Tránh để trẻ thay đổi thân nhiệt đột ngột. Nếu các triệu chứng của viêm mũi kéo dài trên 7 ngày có kèm theo sốt cao, phụ huynh phải kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.