Nuôi con chưa bao giờ là điều dễ dàng và nhiều bà mẹ đã vất vả để cùng con trải qua giai đoạn ăn dặm. Đặc biệt là vấn đề lúc mới ăn dặm, có em bé sẽ ăn thun thút, có những bé hay nhè thức ăn. Có khi đã ngậm nhai chán chê rồi bé vẫn nhè. Sau đây là nguyên nhân bé hay nhè thức ăn khi ăn dặm.
Nào hãy cùng chúng tôi tham khảo những nguyên nhân bé hay nhè thức ăn khi ăn dặm sau đây:
Bé đang làm quen với khẩu vị mới
Nếu con bạn bú mẹ, khi cho bé uống sữa công thức, có thể bé sẽ từ chối, nhè ra. Nếu con bạn đang bú sữa công thức loại này, đổi sang loại khác có thể bé cũng sẽ từ chối. Bởi vì đó là thức ăn lạ đối với bé, cơ thể từ chối nó như một phản xạ tự nhiên. Nó là một phần trong cơ chế tự bảo vệ của quá trình tiến hóa từ xa xưa, khi cơ thể của chúng ta phải dè chừng với các loại thức ăn mới, có thể có độc, có hại cho cơ thể. Khi ăn dặm, dù là cháo hay thức ăn nào là khởi đầu, bé cũng có thể sẽ nhè ra vì lạ. Vì vậy, đừng nghĩ là bé khó tính, chảnh hay có vấn đề gì trong việc ăn uống hay bạn nấu không ngon, tại không nêm gia vị nên nhạt miệng bé nhè thức ăn nhé! Bé chỉ gặp chút khó khăn khi làm quen với các khẩu vị mới và các loại thức ăn mới thôi.
Hãy cho bé yêu cơ hội thích nghi
Vậy thì, lúc bé ăn vào chỉ liếm láp rồi nhè ra, bố mẹ nên làm gì? Câu trả lời là hãy cho bé thời gian và cơ hội, đừng cố ép bé ăn. Nếu mới bắt đầu ăn dặm bé đã nhè, bạn có thể thử các món bắt đầu khác nhau: súp cà rốt, sốt táo, súp bí ngô, cháo… cho đến khi có một món nào đó khiến bé chấp nhận ăn. Nếu bé kiên quyết từ chối mọi món bạn thử, bạn có thể cho bé dừng vài ngày, 1 tuần rồi thử ăn dặm lại, mỗi lần chỉ cần 1-2 thìa để cho bé làm quen thôi nhé! Thời kì 6-8 tháng, mỗi bữa bé chỉ cần ăn vài thìa, ngày 1-2 bữa để làm quen với khẩu vị mới một cách hứng thú, say mê.
Nếu bé nhè vì từ chối một vài loại thức ăn nào đó trong quá trình ăn dặm, bạn có thể tạm dừng món ăn đó nhưng đừng đưa món ăn mà bé thích ra để thay thế vì sợ bé đói. Điều này có thể sẽ khuyến khích bé có xu hướng luôn từ chối món mới để được ăn những món quen thuộc, khiến bé không đa dạng khẩu vị và có nguy cơ bị thiếu chất do chế độ ăn không cân bằng. Hãy cho bé ăn các món khác nếu bữa ăn đó có nhiều món hoặc ngừng bữa ăn luôn. Hôm sau hoặc vài hôm sau, hãy thử cho bé ăn lại thức ăn đó – có thể chế biến theo kiểu cũ hoặc theo kiểu mới.
Có những bé sẽ từ chối ăn cá hấp nhưng sẽ thích ăn cá rán, hoặc từ chối cà rốt luộc nhưng sẽ ăn súp cà rốt… Hãy biến tấu nguyên liệu một chút để có thể hợp với sở thích của bé hơn hoặc nấu cùng với một loại nguyên liệu mà bé vẫn thích, làm thành món nem chẳng hạn. Sau vài lần thử rồi nhè ra, bé thường bắt đầu nuốt vào một ít, và trong đa số trường hợp cuối cùng bé sẽ bắt đầu thích món ăn mới đó. Bé có thể thử đến hơn 10 lần cho tới khi chấp chận một món ăn mới.
Thực hiện nguyên tắc đừng ép con ăn
Với những em bé ăn dặm theo phương pháp Tự chỉ huy, bé có thể sẽ nhè đồ ăn ra sau quá trình nhai gặm bởi vì vẫn không thể nghiền thức ăn đủ nhỏ để nuốt được. Việc này sẽ tránh cho các bé khỏi nguy cơ bị hóc, nghẹn nên bố mẹ đừng ép con. Thay vào đó, hãy đưa cho bé những thức ăn mềm hơn, dễ xử lí hơn nhé!
Xem thêm:
- 10 cách nấu cháo ăn dặm cho bé ngon miệng, bổ dưỡng
- Bảo quản thực phẩm ăn dặm cho trẻ như thế nào là tốt nhất?
Hãy hỏi ý kiến bé nếu con đã cảm thấy no
Và trường hợp cuối cùng khiến bé nhè đồ ăn chính là khi bé báo hiệu đã quá no, không muốn ăn tiếp. Dù bạn nghĩ là con vẫn còn đói, con mới ăn có mấy miếng, hãy tôn trọng bé và hỏi lại: “Con no rồi à, không muốn ăn nữa à? Thế thì phải đến bữa tiếp theo con mới được ăn đấy nhé!” Nếu bé tỏ ra đồng ý và không muốn ăn nữa, bạn hãy đợi đến bữa sau, đừng cố ép con ăn để bé chán ăn, sợ ăn hay tệ hơn là phun hết những thứ đã ăn.
Với các bé lớn hơn một chút, đã qua thời kì ăn dặm, thường là khoảng 2 tuổi thì khi bé từ chối món mới, bố mẹ có thể thuyết phục bé bằng nguyên tắc “nếm thử trước khi chê không ngon”, thử một miếng thôi. Nếu thấy ngon, con có thể ăn tiếp. Còn nếu không thấy ngon, con có thể dừng lại không ăn nữa, không ai ép con cả. Thường thì trong những trường hợp này bé sẽ chịu nếm món mới.
Trên đây là một số kinh nghiệm giúp cả mẹ và bé vượt qua giai đoạn làm quen với đồ ăn dặm. Chúc các bé sẽ ăn mong chóng lớn và công việc ăn dặm của con với các mẹ sẽ trở nên thật dễ dàng!
Được tổng hợp bởi giadinhbe.org