Mật ong, gan động vật…là những thực phẩm không nên cho bé ăn dặm ít ai biết đến. Giai đoạn bé từ 5 đến 8 tháng tuổi, bé bắt đầu phát triển vận động nhiều hơn, vì thế trẻ cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn. Đây là lúc bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm. Sau đây là những thực phẩm không nên cho bé ăn dặm.
Khi bé đến tuổi ăn dặm, thường các mẹ quan tâm đến việc cho bé ăn thực phẩm gì cho nhiều chất, đủ dinh dưỡng mà quên mất việc lưu ý đến những đồ ăn không nên đưa cho bé ăn quá sớm. Với một số thực phẩm, nếu mẹ vội vàng cho con ăn dặm, bé có thể bị dị ứng, ngộ độc và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng 2008, khi cho bé ăn dặm, mẹ nên tránh các loại thực phẩm như lòng trắng trứng, bơ đậu phộng, nghêu, sò ốc và các loại trái cây thuộc họ cam quýt … Các chuyên gia cho rằng, không chỉ có thể gây dị ứng, một số thực phẩm còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Chẳng hạn, đường và muối, những gia vị “‘cấm kỵ” không nên dùng khi chế biến thức ăn cho bé, nhất là với trẻ dưới 12 tháng tuổi. Thậm chí, nhiều tổ chức y tế vẫn khuyến cáo các mẹ không nên cho bé ăn dặm trước 4-6 tháng tuổi để bảo vệ bé khỏi các bệnh liên quan đến dị ứng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo nên trì hoãn thời gian trẻ tiếp xúc với những thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như cá, trứng, đậu phộng, sữa bò…Nào hãy cùng chúng tôi tham khảo những thực phẩm không nên cho bé ăn dặm sau đây:
Những thực phẩm không nên cho bé ăn dặm
Mật ong
Phần lớn các bà, các mẹ ngày xưa khi nuôi con đều cho rằng mật ong rất an toàn cho trẻ nhỏ và thường dùng nó cho trẻ bị tưa lưỡi hay húng hắng ho. Thực ra, mật ong có thể gây nguy hiểm cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu chứa bào tử clostridium botulinum – thủ phạm gây một chứng ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm. Tỷ lệ mật ong chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum là 5%. Con số này rất nhỏ, do đó trường hợp ngộ độc mật ong ít xảy ra. Tuy nhiên nếu trẻ đã lỡ ăn phải, hậu quả nhẹ nhất sẽ là ảnh hưởng đến hệ thần kinh và thậm chí có thể gây tử vong.
Gan động vật
Gan động vật là một món ăn ngon, có nhiều chất dinh dưỡng, lại có thể bổ sung thêm sắt, các mẹ thường luộc hoặc xào cho các bé ăn. Thực ra, gan là cơ quan giải độc lớn nhất của động vật, tất cả các chất độc hại trong cơ thể đều được lá gan xử lý, vì vậy trong gan cũng chứa rất nhiều độc tố.
Lời nhắc nhở: Các mẹ đi chợ mua gan nhất định phải chọn những lá gan của những động vật khỏe mạnh, không bị mắc bệnh, đặc biệt không lấy những lá gan tụ máu hoặc có màu sắc khác thường. Trước khi xào nấu, các mẹ phải chế biến thật sạch để loại bỏ bớt độc tố.
Cách thông thường để loại bỏ những độc tố trong lá gan: Ngâm vào nước nóng hoặc sữa tươi khoảng 3,4 lần. Trước khi ngâm, mẹ cũng có thể dùng dao khứa trên mặt lá gan để chất độc tan đi nhanh hơn.
Thủy hải sản có vỏ
Các loại thủy hải sản như tôm, cua, ngao, sò, ốc,… là những thực phẩm dễ gây dị ứng và làm trẻ nhỏ đau bụng, mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé tập ăn sau khi bé được tầm 9 tháng tuổi. Trước khi cho bé ăn, mẹ cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia và đặc biệt là cần tìm hiểu xem trong gia đình có ai bị dị ứng với hải sản hay không.
Sữa bò tươi
Sữa bò tươi không thích hợp làm đồ uống chính cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Sữa bò cũng không thể chứa hàm lượng vitamin và chất béo được như sữa công thức và sữa mẹ. Bạn có thể dùng sữa bò nguyên kem trong nấu nướng cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên nhưng trẻ sẽ thích hương vị quen thuộc của sữa công thức hoặc sữa mẹ hơn.
Hoa quả chua
Một số trẻ em dễ dị ứng với hoa quả chua như kiwi, dâu tây, cà chua, cam, chanh và tốt nhất là mẹ nên tránh những loại quả này trong những tuần lễ đầu tiên cho bé ăn dặm. Những loại quả lí tưởng, an toàn mà mẹ nên cho bé tập ăn dặm đầu tiên là những quả chín mềm, vị ngọt hấp dẫn như: chuối, xoài, bơ, táo,…
Trứng
Để giảm thiểu nguy cơ bé bị dị ứng, mẹ đừng cho bé ăn trứng hoặc thực phẩm chứa trứng (như một số loại nước sốt và bánh kem) trước khi bé được 6 tháng tuổi. Khi bé đã được 6 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé tập ăn trứng đã luộc chín nhưng không nên cho bé ăn trứng luộc lòng đào, trứng chần qua để tránh ngộ độc thực phẩm.
Các loại hạt
Các loại hạt ẩn chứa nguy cơ gây hóc, nghẹn hàng đầu, mẹ chỉ nên cho con ăn các loại hạt nguyên hoặc hạt đã nghiền khi bé bắt đầu được 5 tuổi trở lên. Kể cả khi bé không bị hóc, nghẹn, các loại hạt vẫn có tỉ lệ gây dị ứng rất cao ở trẻ nhỏ, đặc biệt đối với những trẻ xuất thân từ gia đình có người có tiền sử mắc dị ứng với hạt. Vì vậy, mẹ phải hết sức thận trọng và nhớ cho con tập ăn với liều lượng từng chút một khi con đủ tuổi ăn loại thực phẩm này. Nhiều trường hợp bé không dị ứng ngay trong lần đầu mà phải đến lần thứ hai mới mắc phải.
Xem thêm:
- Bảo quản thực phẩm ăn dặm cho trẻ như thế nào là tốt nhất?
- 10 cách nấu cháo ăn dặm cho bé ngon miệng, bổ dưỡng
Muối
Thận của trẻ nhỏ còn rất non nớt nên muối đi vào cơ thể bé có thể sẽ làm thận phải làm việc quá tải. Bé phải ăn đồ nhiều muối lúc còn nhỏ sẽ có thói quen ăn mặn khi lớn lên, dễ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai. Mẹ nên nhớ, không bao giờ được cho muối vào thức ăn dặm của trẻ, tránh các loại thức ăn chứa nhiều muối như xúc xích, thịt xông khói, ruốc mặn cho đến khi bé trên 12 tháng tuổi.
Được tổng hợp bởi giadinhbe.org