Trẻ nhỏ đầu óc non nớt, tư duy như trang giấy trắng, chúng thường tin tưởng hoàn toàn vào những điều cha mẹ nói. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý cẩn trọng trong cách dùng từ ngữ của mình, tránh để ảnh hưởng tâm lí tiêu cực đến con. Dưới đây là những câu nói hay dùng của cha mẹ có thể khiến bé tổn thương sâu sắc.
“Con lúc nào cũng…”, “Con chẳng bao giờ…”
Một sự thật không thể chối cãi, nhưng câu nói như thế này rất hay được các ông bố bà mẹ buột miệng nói ra trong lúc bực mình: “Con lúc nào cũng nhát như cáy.”, “Con chẳng bao giờ nhớ được cái gì cả.”
Hãy coi chừng vì những cụm từ “lúc nào cũng”, “chẳng bao giờ” có thể trở thành một dạng “nhãn mác” gắn chặt lấy bé suốt đời. Những lời cha mẹ nói hàng ngày khắc rất sâu vào trong tâm trí trẻ, trẻ sẽ nghĩ mình đúng là dạng người như cha mẹ vẫn “gắn mác” cho bé, không bao giờ thay đổi được và không cần phải thay đổi.
Hãy coi chừng vì những cụm từ “lúc nào cũng”, “chẳng bao giờ” có thể trở thành một dạng “nhãn mác” gắn chặt lấy bé suốt đời. (Ảnh minh họa)
Thay vì thế, hãy hỏi con cách làm thế nào để cha mẹ giúp bé sửa tật như “Mẹ thấy con hay quên sách vở, quên chìa khóa,… quá. Có cần bố mẹ giúp gì để khắc phục không?”
Sao con không được như anh con/chị con/con nhà người ta nhỉ?
Một trong những câu nói có mức độ “sát thương” hàng đầu với con trẻ là câu so sánh bé với những đứa trẻ khác. Cảm giác kém cỏi sẽ đeo bám bé rất lâu, dễ gây tâm lí tự ti, chán nản. Thay vì thế, cha mẹ nên cổ vũ mặt mạnh riêng của con. Mỗi đứa trẻ luôn có một thế mạnh riêng cần được khuyến khích để phát triển, mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Vì bố/mẹ bảo thế
Đôi khi, gặp chuyện quá gấp hoặc đơn giản là vì lười giải thích mà bạn bắt con làm thứ này thứ kia và khi con hỏi lí do vì sao, bạn chỉ buông một câu: “Mẹ bảo thế thì cứ làm thế. Không nói nhiều.” Câu nói này nghiễm nhiên mang ý nghĩa rằng mọi quyền hành ở trong tay bạn và vô tình làm thui chột sự phát triển về ý thức tự lập, tự quyết định, tự khám phá tìm tòi của con. Hơn nữa, trẻ sẽ có cảm giác rằng cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc của trẻ, rằng bé không có vai trò quan trọng trong gia đình. Vì thế, cha mẹ nhớ giải thích rõ ràng lí do của những công việc mà mình yêu cầu con làm.
Đưa đây, để bố/mẹ làm cho…
Cha mẹ thấy trẻ lóng ngóng làm những công việc như nhặt rau, gấp chăn, quét nhà,… thường cảm thấy ‘ngứa ngáy” và muốn làm hộ con luôn cho xong việc. Tuy vậy, hàng động này sẽ khiến trẻ chẳng bao giờ tự học được cách làm việc gì. Tốt nhất là hãy đưa ra những chỉ dẫn cụ thể để bé làm theo thay vì giành lấy làm hộ.
Bằng tuổi con, bố/mẹ đã phải làm đủ thứ
Không thể đem một đứa trẻ thời hiện đại áp đặt theo cách sống của mấy chục năm về trước. Mỗi một thế hệ phải chịu những áp lực khác nhau. Việc mang bản thân ra làm hình mẫu là điều bình thường, nhưng tốt nhất là nên khuyến khích con hơn là việc so sánh tiêu cực.
Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé! |