Dưới đây là phương pháp hạ sốt cho trẻ theo tài liệu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (American Academy of Pediatrics) năm 2009, cập nhật lần mới nhất vào 05/05/2015:
Thông thường, khi bé bị sốt, bố mẹ rất lo lắng và muốn điều trị cho con bằng thuốc để mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, sốt chính là một phản ứng quan trọng của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Trẻ bị sốt không nhất thiết phải dùng đến thuốc để chữa trị, trừ khi trẻ cảm thấy khó chịu, có tiền sử bị co giật sốt cao hoặc mắc bệnh mãn tính. Kể cả khi bé có tiền sử bị co giật mà bố mẹ điều trị sốt cho bé bằng thuốc, bé vẫn có thể bị co giật.
Điều quan trọng hơn hết là chú ý theo dõi tình trạng của bé. Nếu bé vẫn ăn ngủ tốt và vẫn có lúc chơi đùa được, bé sẽ không cần phải điều trị gì hết. Bố mẹ nên nói với bác sĩ về những biểu hiện này khi điều trị sốt cho bé.
Sốt chính là một phản ứng quan trọng của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)
Gợi ý điều trị sốt cho trẻ
– Giữ cho phòng của bé thoáng mát, cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
– Cho bé uống nhiều nước và các đồ uống khác như nước trái cây, nước bù điện giải,…
– Nếu phòng nóng và ngột ngạt, bật quạt phe phẩy cạnh bé để điều hòa lưu thông không khí
– Không nhất thiết phải cho bé ở trong phòng khi bé bị sốt. Bé vẫn có thể quanh quẩn trong nhà nhưng không được chạy nhảy và hoạt động quá sức.
– Nếu sốt là triệu chứng bé mắc bệnh truyền nhiễm (như thủy đậu, cúm,…) hãy cách li trẻ với những trẻ khác, người già hoặc những người có sức đề kháng yếu.
Hạ sốt bằng khăn lau ướt
Thường thì hạ sốt bằng cách cho bé uống paracetamol là cách thuận tiện nhất để khiến trẻ cảm thấy dễ chịu nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi bố mẹ cần kết hợp cách này với việc dùng khăn ướt, hoặc chỉ cần dùng khăn ướt thôi.
Nên dùng khăn ướt hơn là dùng thuốc paracetamol nếu bé có tiền sử bị dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.
Nên dùng khăn ướt kết hợp với thuốc nếu:
– Sốt làm bé cực kì khó chịu
– Bé nôn mửa và không thể giữ thuốc ở trong dạ dày.
Cách dùng khăn ướt cho trẻ bị sốt
– Đặt bé trong bồn tắm, nhưng chỉ để nước cao khoảng 2-3cm và nước phải ấm. Không dùng nước lạnh khiến bé khó chịu, run rẩy, rùng mình và thậm chí làm thân nhiệt bé tăng cao hơn. Nếu bé có biểu hiện run rẩy, chứng tỏ nước vẫn còn lạnh. Hãy đưa bé ra khỏi bồn tắm nếu thấy bé run rẩy.
– Để bé ngồi trong nước – ngồi thì dễ chịu hơn nằm. Sau đó, dùng một chiếc khăn sạch hoặc một chiếc bọt biển sạch để tưới nước lên thân người và tay chân của bé. Nước sẽ bay hơi và làm mát cơ thể bé. Giữ phòng ở nhiệt độ mát mẻ và tiếp tục lau cho bé cho đến khi thân nhiệt của bé quay về mức bình thường.
– Không bao giờ cho cồn vào nước, cồn sẽ ngấm qua da bé hoặc bé sẽ hít phải hơi cồn, gây ra một số tình huống nguy hiểm, ví dụ như hôn mê.
– Thường thì việc lau cho bé bằng nước sẽ giúp bé giảm thân nhiệt xuống từ 1-2 độ trong vòng 30-45 phút. Tuy nhiên, nếu thấy bé tỉnh táo và thích đùa nghịch, mẹ có thể dừng lau và để bé chơi với nước. Nếu việc ở trong bồn tắm khiến bé thấy khó chịu, mẹ hãy đưa bé ra khỏi bồn ngay cả khi bé chưa hạ được sốt.