Viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP là bệnh lý khá phức tạp và cần được điều trị kéo dài. Đặc biệt cần theo dõi và điều trị theo phác đồ của bác sĩ để điều trị tận gốc viêm dạ dày có vi khuẩn Hp dương tính là cách để đảm bảo việc điều trị đạt được hiệu quả cao nhất, công tác theo dõi cũng dễ dàng và thuận tiện hơn.
Vi khuẩn Hp dương tính là gì?
Vi khuẩn Hp dương tính là thuật ngữ dùng trong chẩn đoán vi khuẩn Hp dạ dày (Helicobacter pylori) như test hơi thở, kiểm tra mô bệnh học qua nội soi, test ure,… Khi có kết quả dương tính với vi khuẩn Hp dạ dày, đồng nghĩa với việc bạn đã nhiễm phải loại vi khuẩn này trong dạ dày. Vi khuẩn Hp dương tính có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe dạ dày, do đó, việc điều trị sớm là rất quan trọng và cần thiết.
Viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp dương tính có nguy hiểm không?
Câu trả lời là không, bởi nếu được phát hiện sớm và chữa trị nó có thể được loại bỏ hoàn toàn mà không gây ra ảnh hưởng gì lớn tới sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp không theo phác đồ điều trị, để bệnh tái đi tái lại nhiều lần gây lờn thuốc… thì chứng viêm dạ dày có thể tiến triển thành nhiều bệnh nặng hơn như viêm loét dạ dày, xuất huyết, thủng dạ dày hay thậm chí là ung thư.
Các xét nghiệm chẩn đoán Hp dương tính
Chẩn đoán bằng xét nghiệm là bước quan trọng để xác định xem bạn có dương tính với vi khuẩn Hp hay không. Hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp xét nghiệm Hp dương tính có mức độ nhạy và độ đặc hiệu như sau:
Phương pháp xét nghiệm urease nhanh: độ nhạy 67, độ đặc hiệu 93%.
Phương pháp xét nghiệm mô học: độ nhạy 70, độ đặc hiệu 90%.
Các phương pháp nuôi cấy: độ nhạy 45, độ đặc hiệu 95%.
Những xét nghiệm ure C (13) trong hơi thở: độ nhạy 93, độ đặc hiệu 92%.
Xét nghiệm huyết thanh: độ nhạy 88, độ đặc hiệu 69%.
Xét nghiệm kháng nguyên phân: độ nhạy 87, độ đặc hiệu 70%.
Nội soi dạ dày hiện là phương pháp được chỉ định chẩn đoán nhiều nhất vì có độ chính xác cao, đồng thời giúp kiểm tra mức độ tổn thương dạ dày đi kèm như viêm loét dạ dày (nếu có).
Phác đồ điều trị viêm dạ dày có vi khuẩn Hp dương tính
5 lợi ích của việc điều trị bằng phác đồ
▶ Vi khuẩn Hp (H.pylori) có đặc tính dễ kháng thuốc, khó điều trị và dễ tái phát. Chính vì vậy khi điều trị viêm dạ dày Hp dương tính bằng phác đồ đem lại nhiều lợi ích trong quá trình điều trị. Phác đồ là một hệ thống điều trị được nghiên cứu, tính toán về các loại thuốc phối hợp trong điều trị, liều dùng, cách dùng cũng như một số phương án dự phòng trong trường hợp phác đồ ban đầu không đảm bảo hiệu quả điều trị. Sử dụng phác đồ điều trị đem lại 5 lợi ích rõ rệt cho bệnh nhân như:
Đảm bảo được quá trình điều trị phù hợp nhất với từng trường hợp bệnh.
Hạn chế tối đa nguy cơ kháng thuốc trong quá trình điều trị.
Giúp các bác sĩ theo dõi sát sao quá trình điều trị của bệnh nhân và có các điều chỉnh kịp thời, phù hợp nhất.
Có phương án dự phòng kịp thời nếu phác đồ điều trị đầu tiên không đạt hiệu quả như mong đợi.
Giúp kiểm soát được thời gian điều trị, tránh để cho quá trình điều trị dai dẳng, kéo dài, dễ biến chứng thành các bệnh lí nghiêm trọng hơn.
▶ Phác đồ điều trị viêm dạ dày có vi khuẩn Hp dương tính là sự kết hợp của phác đồ điều trị vi khuẩn Hp đặc hiệu phối hợp cùng các nhóm thuốc ức chế axit dạ dày. Tuy nhiên trong phác đồ điều trị cần tập trung loại trừ vi khuẩn Hp dạ dày trước để tránh vi khuẩn kháng thuốc hoặc khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Đối với phác đồ điều trị vi khuẩn Hp lần đầu
Sử dụng phác đồ PPI – Clarithromycin – Amoxicillin kéo dài 14 ngày đối với những khu vực có tỉ lệ vi khuẩn Hp kháng Clarithromycin. Ở nước ta miền Bắc và miền Trung là những khu vực kháng Clarithromycin mức trung bình.
Sử dụng phác đồ nối tiếp, phác đồ sử dụng đồng thời 4 thuốc đối với những khu vực có tỉ lệ vi khuẩn Hp kháng Metronidazol và Clarithromycin ở mức cao. Các tỉnh phía Nam là khu vực được khuyến nghị nên áp dụng phác đồ này do có mức độ kháng thuốc tương đối cao.
Phác đồ dự phòng
▶ Phác đồ dự phòng sẽ được áp dụng trong những trường hợp phác đồ diệt vi khuẩn Hp dương tính ban đầu không đem lại kết quả như mong đợi. Trong trường hợp này có thể sử dụng:
Phác đồ dự phòng với 4 thuốc có Bismuth nếu như phác đồ ban đầu chưa dùng các nhóm thuốc này.
Ngược lại, có thể dùng phác đồ PPI – Levofloxacin – Amoxicillin nếu trước đó đã sử dụng phác đồ 4 thuốc có Bismuth.
Khi điều trị thất bại với phác đồ điều trị đầu tiên tuyệt đối không sử dụng lại loại kháng sinh đã sử dụng trước đó vì tỉ lệ kháng thuốc sẽ rất cao.
Phác đồ cứu vãn
▶ Phác đồ cứu vãn là phác đồ điều trị cuối cùng có thể thực hiện đối với vi khuẩn Hp kháng thuốc sau cả 2 lần điều trị. Áp dụng phác đồ này cần nuôi cấy vi khuẩn H.pylori làm kháng sinh đồ và thiết lập phác đồ điều trị mới. Hạn chế của phác đồ cứu vãn là khó khăn về kỹ thuật. Thành công trong nuôi cấy vi khuẩn Hp chưa cao. Do đó phác đồ này thường chỉ áp dụng được tại những cơ sở y tế được trang bị công nghệ cao, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bằng phác đồ này.
Kết hợp các thuốc giảm tiết axit dạ dày
Tùy theo thể trạng và mức độ bệnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể điều chỉnh phác đồ điều trị viêm dạ dày Hp dương tính do vi khuẩn Hp dạ dày một cách phù hợp nhất. Trong quá trình sử dụng phác đồ điều trị, có thể kết hợp các thuốc giảm tiết acid dạ dày duy trì 14 – 28 ngày sau điều trị vi khuẩn Hp để giúp phủ vết loét và tạo thời gian cần thiết cho vết loét phục hồi.