Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác động của rượu bia. Ở trẻ em, rượu bia có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập.
Những con số chết người
Các chuyên gia về y tế dự phòng các bệnh không lây nhiễm của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về tác hại của bia rượu ở giới trẻ, rượu bia không phải là đồ uống thông thường. Đây thực sự là loại đồ uống nguy hiểm, khi sử dụng ở mức có hại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật, tử vong trên toàn cầu.
Theo các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương (nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10). Như vậy, uống rượu bia gây hại tới sức khỏe người uống và ảnh hưởng tiêu cực tới cả cộng đồng.
Các bằng chứng khoa học cho thấy rượu bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não. Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác động này. Ở trẻ em, rượu bia có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập.
Cụ thể, rượu bia làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ do chất rượu cồn đã gây nhiễu loạn hoạt động truyền tải glutamate (hóa chất chuyên chở tín hiệu giữa các tế bào thần kinh) của các cảm thụ quan trong vùng đồi hải mã, gây rối loạn hóa học và sinh lý học thần kinh ở vùng đồi hải mã.
Bên cạnh đó, uống rượu bia còn gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên như: quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn giao thông, chấn thương khi đang điều khiển phương tiện, máy móc, bạo lực,… từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy lâu dài ảnh hưởng tới xã hội.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Những hậu quả đó là: khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, khả năng tham gia bạo lực cao gấp 6 lần, nguy cơ tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần, chấn thương gấp gần 5 lần sau uống rượu, bia.
Việt Nam trong liên tiếp 2 thập kỷ gần đây đang trở thành một trong các quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn tăng rất nhanh qua các năm. Thanh thiếu niên Việt Nam, tình hình tiêu thụ rượu bia cũng ở đang gia tăng ở mức đáng báo động. Theo một nghiên cứu vào năm 2008, có khoảng 80% nam và 37% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 sử dụng rượu bia, tăng 10% (nam) và 8% (nữ) sau 5 năm, trong đó, có 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say.
Đối với riêng nhóm tuổi 13-17, một cuộc điều tra học sinh lớp 8-12 trên toàn quốc năm 2013 cho thấy: có tới 33% học sinh nam và 18% học sinh nữ đã từng uống ít nhất một đơn vị cồn trong 30 ngày vừa qua, trong số đó: 49% học sinh nam và 38% nữ uống cốc đầu tiên khi chưa đến 14 tuổi, 31% học sinh nam và 15% học sinh nữ đã từng uống đến mức say ít nhất một lần. Kết quả của Điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam năm 2009 cũng cho thấy 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ 1 tuần trở lên.
Nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên, theo kết quả các nghiên cứu trên thế giới, có một phần quan trọng là do tác động của quảng cáo, khuyến mại về rượu bia đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.
Theo nghiên cứu trên 1786 học sinh ở Mỹ, nếu như lớp 6 trẻ có tiếp xúc với quảng cáo rượu bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nguy cơ bắt đầu sử dụng rượu bia những học sinh này khi lên lớp 7 sẽ tăng cao so với các học sinh bình thường khác. Cụ thể, học sinh lớp 7 sử dụng rượu bia tăng 19% sau khi xem và ảnh hưởng bởi quảng cáo, khuyến mại trên các kênh truyền hình thể thao, tăng 13% với quảng cáo bia trên các kênh truyền hình khác; tăng 17% với quảng cáo bia trên radio; và gia tăng tới 76% nếu trẻ có sở hữu sản phẩm khuyến mại của hãng bia ở lớp 6. (Nghiên cứu ở Mỹ trên 1786 học sinh).
Một nghiên cứu khác tại 15 trường trung học ở Bắc New England về tác động của sản phẩm khuyến mại: những học sinh có sở hữu các sản phẩm khuyến mại của hãng bia rượu (chủ yếu là các sản phẩm may mặc như áo thun hoặc mũ) có khả năng bắt đầu sử dụng rượu bia cao gấp 1,5 lần so với những học sinh không sở hữu).
Việc quảng cáo rượu bia thông qua các sự kiện thể thao, âm nhạc cũng ảnh hưởng lớn đến trẻ em. Các em học sinh lớp 7 chưa từng uống rượu bia có tiếp xúc với quầy bán bia rượu ở các sự kiện thể thao hoặc âm nhạc sẽ gia tăng 42% khả năng bắt đầu sử dụng rượu bia ở lớp 9, theo nghiên cứu với 3111 học sinh Mỹ từ lớp 7 đến năm lớp 9).
Đối với phim ảnh, các nghiên cứu cho thấy trẻ 10-16 tuổi tiếp xúc với các bộ phim có hình ảnh sử dụng rượu bia càng nhiều, nguy cơ bắt đầu sử dụng rượu bia và lạm dụng rượu bia càng tăng lên. Nguy cơ bắt đầu uống rượu bia của trẻ tăng 42% -100%, nguy cơ uống say cũng tăng từ 44% – 123% tùy theo mức độ tiếp xúc.
Người dưới 21 tuổi tiếp xúc càng nhiều với quảng cáo rượu bia thì có mức độ tiêu thụ rượu bia càng lớn. Cụ thể mỗi lần tiếp xúc với quảng cáo rượu bia làm tăng 1% lượng tiêu thụ rượu bia. Thanh thiếu niên ở các thị trường có mức đầu tư cho quảng cáo rượu bia cao thì tiêu thụ rượu bia càng nhiều: mỗi gia tăng một đô la theo đầu người cho việc quảng cáo rượu bia làm tăng 2.8% lượng tiêu thụ rượu bia (Nghiên cứu của ở người 15-26 tuổi thuộc 24 vùng địa lý ở Mỹ).
Hiện nay, tại Việt Nam, Luật Quảng cáo mới dừng lại cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên. Bên cạnh đó, còn một số thương hiệu đang được quảng bá với hình ảnh rượu mạnh một cách tinh vi với sự xuất hiện của các ngôi sao thể thao, ca nhạc nổi tiếng. Điều này đang góp phần ảnh hưởng đến mức tiêu thụ rượu bia ở người Việt trẻ.
Chính vì vậy quy định rõ về độ tuổi được phép mua, sử dụng rượu bia và quy định nhằm kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng là các giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống tác hại của sử dụng rượu bia đối với thanh thiếu niên Việt Nam.