Trẻ biếng ăn là một nỗi lo lắng và phiền muộn của hầu hết các bà mẹ. Các mẹ phải than ngắn thở dài rằng bỏ bao công sức chuẩn bị đồ ăn cho con mà con chỉ ăn được vài thìa rồi lắc đầu nguầy nguậy, và khi thấy con như vậy thì lại bắt đầu quay ra đánh mắng con. Bé Bông nhà tôi cũng khiến tôi đau đầu một thời gian về chuyện ăn uống của con, nhưng giờ mọi chuyện đá ổn, con ăn ngoan mỗi ngày mà không cần mẹ phải nhắc nhở.
Để cứu nguy cho các mẹ, dưới đây tôi xin mách mẹ một số cách trị trẻ biếng ăn vô cùng đơn giản mà hiệu quả.
Nguyên tắc 3 không khi cho trẻ ăn
Nhiều mẹ có thói quen cho con ăn là phải mở tivi cho con xem, bế bé đi ăn rong khắp làng hay bầy một đống đồ chơi trước mặt bé chỉ với mong muốn là con ăn hết bát cơm. Chỉ cần con ăn ngoan, các mẹ không ngại giở “thủ đoạn”. Nhưng nhiều khi mất hàng tiếng đồng hồ “dụ dỗ” tìm mọi cách mà con vẫn không chịu ăn khiến các mẹ không thể nhẫn nại được mà phải đành lòng đánh mắng con vài câu.
Trên thực tế, việc các mẹ dùng tivi, trò chơi để giúp con ăn nhanh là một cách hoàn toàn trái khoa học. Bởi những thứ đó sẽ thu hút mọi sự tập trung của trẻ khiến con quên mất việc phải ăn. Trẻ sẽ chỉ nhìn chăm chăm vào tivi hay nhiệt tình chơi trò chơi mà không hề để ý đến việc mẹ đang thúc ép cho ăn ở một bên. Việc làm này của mẹ đã vô tình biến mẹ trở thành “thủ phạm” làm con biếng ăn.
Khi cho trẻ vừa ăn, bố mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi hoặc chơi trò chơi (Ảnh minh họa)
Để tránh hiện tượng này xảy ra ở Bông, tôi nghiêm khắc thực hiện 3 không: Không ti vi, không đi rong, không đồ chơi. Nguyên tắc 3 không này, vợ chồng tôi thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài 15 – 30 phút, không nên kéo dài quá lâu, tránh tình trạng ê a hàng tiếng không hết bát cơm. Điều này, chúng ta cần học hỏi các mẹ Tây, một khi con không ăn thì rất nhanh chóng sẽ bê đi mà không cần phải bắt ép con ăn.
Cho con tham gia chuẩn bị bữa ăn từ A – Z
Đây là một cách vô cùng hiệu quả, giúp con có hứng thú với đồ ăn bởi đó chính là những món do con trực tiếp làm ra. Hãy để con được quyết định hay đóng góp ý kiến vào chính thực đơn của gia đình mình, hôm nay nên ăn món gì? Khi nào thì ăn thực phẩm này? … Việc để con sắp xếp và đưa ra thực đơn cho gia đình mình sẽ giúp con hào hứng và thấy được vai trò của con là vô cùng quan trọng. Khi con cảm nhận đúng vai trò của mình, con sẽ lại càng hào hứng với mỗi bữa ăn hơn bao giờ hết.
Bé Bông nhà tôi mỗi lần được mẹ cho “quyền” lựa chọn thực đơn cho cả gia đình thì vô cùng hào hứng, mẹ nhiệt tình liệt kê ra vô vàn các món, rồi sau đó dõng dạc nói to “bố mẹ thích ăn gì hôm nay con sẽ làm cho bố mẹ ăn”. Chỉ một câu nói đơn giản và ngây ngô của con cũng đã có công lớn khi đem lại tiếng cười và niềm tự hào cho vợ chồng tôi.
Cho con tham gia vào quá trình nấu ăn là cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả (Ảnh minh họa)
Để giúp con có hứng thú hơn với đồ ăn, tôi cũng hay cho bé đi chợ mua thực phẩm cùng. Tôi thấy đây là cách hiệu quả, bởi khi đưa con đi cùng, cho con được phép lựa chọn, mẹ sẽ hiểu rõ hơn sở thích của con. Đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để có thể dạy con đâu là nhóm thực phẩm tốt và không tốt, giúp con nắm rõ được các vấn đề cơ bản về dinh dưỡng sẽ giúp con có thể tự bảo vệ được cho sức khỏe của mình sau này.
Sau khi để con lên thực đơn, chọn đồ thì chớ quên cho con vào bếp cùng mẹ. Nhiều mẹ sợ cho trẻ vào bếp chỉ làm vứng chân hoặc có thể sẽ nguy hiểm, nhưng nếu mẹ biết cách dạy con vào bếp an toàn và hiệu quả ngay từ nhỏ thì điều đó chẳng có gì phải lo ngại. Tùy từng độ tuổi của con mà mẹ có thể phân công con làm những việc trong bếp. Trẻ con rất mong muốn được người lớn ghi nhận những đóng góp của mình chính vì vậy khi được thực hiện nhiệm vụ này con sẽ thấy mình được đề cao, mình cũng góp phần vào việc tổ chức bữa cơm cho gia đình, đó là lí do sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Kích thích sự tò mò của con bằng các tạo hình bắt mắt
Những món ăn được trình bày đẹp, màu sắc bắt mắt không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả người lớn cũng khó lòng cưỡng lại được. Cách trình bày một món ăn đẹp và dẫn dụ con thu hút vào sự bày biện đó cũng tạo cảm giác muốn nếm thử ở trẻ. Những màu sắc rực rỡ từ rau củ, những hình thù ngộ nghĩnh mẹ tạo ra từ cơm hay bánh trái sẽ gây sự chú ý cho con. Vì thế, đây là cơ hội để mẹ thỏa sức sáng tạo cách trình bày thức ăn cho con.
Dạo gần đây tôi có đọc được rất nhiều bài viết thú vị về cách thức tạo món ăn thú vị cho con của một số bà mẹ tây Mẹ Hong Kong làm đồ ăn sáng siêu đẹp cho con, Những món cơm nắm cuộn khiến con “ăn sạch 3 bát”, khi nhìn thấy những tạo hình này không chỉ riêng con mà ngay bản thân tôi cũng muốn thưởng thức ngay lập tức. Các mẹ không nhất thiết phải làm cầu kỳ như thế, chỉ cần những món rau kết hợp cùng những món ăn màu sắc khác như củ quả cũng đủ để “bắt mắt” trẻ.
Cách trình bày một món ăn đẹp và dẫn dụ con thu hút vào sự bày biện đó cũng tạo cảm giác muốn nếm thử ở trẻ
Ngoài việc tự mình trang trí các món ăn, tôi cũng để cho Bông được tự tay mình cắt ghép và uốn nắn theo sở thích của con. Đương nhiên, những lúc Bông tự mình tạo ra nghệ thuật, tôi cũng phải ở bên để chỉ bảo cho con, vì đây là đồ ăn mà mọi người sẽ dùng nên không thể cho con sáng tạo quá mức. Mỗi lần nhìn thấy các đồ ăn được tạo hình đẹp đẽ, Bông không cần để mẹ phải nhắc nhở chuyện ăn uống mà con tự giác ngồi ngay ngắn ăn ngon miệng.
Tạo cho con một bữa ăn vui vẻ bên gia đình
Tạo cho con một bữa ăn vui vẻ là một cách trị trẻ biếng ăn vô cùng hiệu quả. Có nhiều bé biếng ăn chỉ vì yếu tố tâm lý vì vậy khi cho bé ăn mẹ phải tạo không khí vui vẻ để giúp con có cảm giác ngon miệng hơn. Cách tốt nhất là các mẹ hãy tạo điều kiện cho bé ăn cùng gia đình, ngồi ăn cùng con sẽ giúp con có thêm hào hứng khi ăn và đó cũng là cách để con quan sát người lớn ăn, học cách ăn. Ngoài ra, nhìn thấy gia đình trong bữa ăn cũng là một niềm vui đối với con đấy các mẹ. Con sẽ cảm nhận được sự ấm áp từ đó trở nên hào hứng hơn, tập trung hơn với chuyện thưởng thức các món ăn.
Một điểm nữa khi cho bé ăn cùng gia đình là nói không với phàn nàn và kêu ca, một khi đã ngồi vào bàn ăn bố mẹ nên tiết chế để tránh tạo ra không khí căng thẳng bởi ăn uống mà áp lực thì không ai ăn được. Nhiều mẹ có một thói quen vô cùng xấu là con không ăn là ngay lập tức quát mắng, thúc ép con ăn từng thìa một, cho dù con có khóc đến khản giọng cũng phải bắt con ăn cho bằng được. Việc làm này của mẹ đã tạo ra một bầu không khí “u ám” khiến trẻ sợ hãi và lâu ngày hình thành thói quen sợ ăn. Ngược lại, nếu bố mẹ làm cho trẻ cười được trong bữa ăn thì chúng sẽ xúc được thêm nhiều thìa cơm hơn, cũng sẽ tìm thấy được niềm vui trong mỗi bữa ăn.
Đối với tôi, bữa ăn là lúc cả gia đình được quây quần và vui vẻ bên nhau nên không tội gì tôi lại phá hỏng không khí đó. Nếu chắng may Bông có lười ăn thì tôi cũng không nặng nhẹ với con, bởi tôi biết trẻ chỉ thực sự tự giác ăn khi thấy hứng thú. Nhiều mẹ cứ sợ con không đủ khẩu phần ăn sẽ đói, tuy nhiên các mẹ có biết rằng khi bé chưa cảm thấy đói mà mẹ đã cho ăn, lâu dần sẽ khiến cho bé mất đi cảm giác thèm ăn. Mẹ đừng lo việc để bé biết đến cảm giác đói. Đói một chút không sao cả, vì khi bé đói, tức khắc cơ thể sẽ “báo động” và bé sẽ tìm cách đòi mẹ cho ăn ngay thôi.
Hãy giúp trẻ nói không với đồ ăn vặt
Mẹ lo lắng vì bé lười ăn sẽ không đủ dinh dưỡng cho cơ thể vì vậy luôn chuẩn bị cho bé một kho đồ ăn vặt trong tủ lạnh. Bim bim, khoai tây chiên, thức ăn nhanh, kẹo, bánh… là những thứ bé thường thích ăn bất cứ lúc nào. Tiếc là chúng không hề tốt cho sức khỏe của con, lại làm giảm sự ngon miệng vào bữa chính nữa. Vì vậy, mẹ đừng chiều con vô tội vạ bằng đồ ăn vặt, để không phải đau đầu nhức óc nghĩ cách cho con ăn thêm vài thìa cơm, cháo. Ăn vặt nhiều sẽ làm bé mất đi cảm giác đói và thèm ăn với những bữa ăn chính.
Trước mỗi bữa ăn, tôi nhất quyết không cho Bông ăn bất cứ một loại đồ ăn vặt nào, con có đói thì cũng chịu khó đợi đến bữa ăn. Đôi khi để cho trẻ hiểu cảm giác đói sẽ tốt hơn là vội vàng đi tìm đồ ăn vặt cho bé. Các mẹ đừng sợ con đói, con khóc mà nhanh chóng chiều theo ý con, việc này không hề tốt đâu nhé.