Trẻ thiếu ngủ dễ bị béo phì hơn nhóm trẻ được ngủ đầy đủ.
Khảo sát của các nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi Massachusetts ở TP Boston – Mỹ mới được công bố trên tạp chí Pediatrics nêu thêm bằng chứng cho thấy trẻ thiếu ngủ dễ bị béo phì hơn nhóm trẻ được ngủ đầy đủ.
TS Elsie Taveras và cộng sự đã khảo sát trên 1.000 trẻ em. Mức độ thiếu ngủ được ghi nhận là ít hơn 12 giờ/ngày ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi; ít hơn 10 giờ/ngày ở trẻ 3-4 tuổi và ít hơn 9 giờ/ngày ở trẻ 5-7 tuổi. Kết quả cho thấy trẻ thiếu ngủ có khả năng bị béo phì cao hơn 2,5 lần so với trẻ ngủ đầy đủ. Tương tự, tổng số lượng mỡ, lượng mỡ bụng, số đo vòng eo và hông của trẻ thiếu ngủ cao hơn trẻ ngủ đầy đủ.
TS Taveras nêu một số giải thích về mối liên quan này, theo đó, việc ngủ ít làm các hormone điều chỉnh cảm giác đói và no bị rối loạn, khiến trẻ ăn nhiều hơn. Trẻ ít ngủ thường xem tivi nhiều hơn, ít vận động và bị quyến rũ bởi các quảng cáo thức ăn trên đó nên càng ăn nhiều.
Một chuyên gia không liên quan đến nghiên cứu nói trên là Giám đốc chương trình quản lý thể trọng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Miami, TS William Muinos, đánh giá đây là khảo sát có ý nghĩa quan trọng.