Dị tật ở thai nhi thường để lại nỗi đau cho các bé và cho gia đình. Do vậy, cần phải phát hiện sớm những dị tật đó ngay từ giai đoạn mang thai để nhanh chóng có những phương pháp điều trị phù hợp.
Theo nghiên cứu và thống kê của ESCAP ( Ủy ban Kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương) năm 2002, cứ khoảng 5 triệu người khuyết tật ở Việt Nam thì có tới 34,2% là do dị tật bẩm sinh. Trong khi lên tới 70% những người bị dị tật bẩm sinh không rõ nguyên nhân.
Các dị tật này không chỉ là nỗi đau cho các bé mà còn khiến các bậc cha mẹ vô cùng đau lòng và xót xa. Ngày nay, y học ngày một phát triển, có rất nhiều các trường hợp dị tật ở thai nhi khi được phát hiện sớm, các bác sĩ đã có những phương pháp can thiệp kịp thời giúp ngăn chặn tình trạng dị tật. Chính vì vậy, các mẹ nên đi khám thai định kì để phát hiện những dị tật thường gặp dưới đây ở thai nhi
1. Bệnh Down
Đây là căn bệnh thường xuyên xảy ra ở những cặp vợ chồng khi sinh con ở độ tuổi khá cao ( nữ trên 35 tuổi, nam trên 50 tuổi). Bệnh Down cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Có nhiều bé khi sinh ra vẫn có hình dạng như bình thường.
Nhưng ngược lại có nhiều bé khi sinh ra lại bị các dị tật thấy rõ như: mắt lệch, hai tai dị thường, ót đầu phẳng, có nếp gấp trên mặt, lưỡi thè…Ở giai đoạn tuần thứ 11 -14 của thai kì nên đi siêu âm xem có bất thường ở vùng da gáy hay không. Nếu chỉ số đo được ở dưới mức 2,5mm là thai nhi bình thường, nếu trên 3mm chứng tỏ thai nhi có nguy cơ bị mắc bệnh down khá cao. Bạn đọc tham khảo thêm bài viết Dị tật ở thai nhi: 10 nguyên nhân cơ bản mẹ cần biết để phòng tránh
2. Dị tật khoèo bàn chân
Đây là loại dị tật có tỉ lệ cao nhất trong số các dị tật liên quan đến vận động. Trẻ bị dị tật này thường lòng bàn chân bị quặt vào trong, cụp xuống co lại hoặc quặt ra ngoài. Dị tật có thể xảy ra ở một bên chân hoặc cả hai bên chân.
Dị tật này khi siêu âm có thể phát hiện sớm. Ở giai đoạn trẻ mới sinh nếu phát hiện sớm có thể điều chỉnh bằng cách nắn bột để phục hồi chức năng.
3. Sứt môi, hở hàm ếch
Theo thống kê, ở Việt Nam cứ khoảng 900 trẻ em sinh ra thì sẽ có 1 trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch. Trẻ mắc dị tật này thường có phần vòm miệng và môi phát triển không đều nhau, bị lệch nhau.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể do yếu tố di truyền hoặc do trong quá trình mang thai người mẹ đã uống nhiều rượu bia, các chất kích thích khác hay hút quá nhiều thuốc lá gây dị dạng bào thai. Trong quá trình siêu âm các bác sĩ có thể phát hiện ra tật này. Có thể có những biện pháp can thiệp kịp thời để giúp bé trở lại như bình thường.
Dị tật bẩm sinh thường xảy ra trong khoảng thời gian 7 tuần đầu tiên của thai kỳ. Vì vậy, việc bổ sung Acid Folic trong những giai đoạn đầu khi bộ não của thai nhi và tủy sống đang hình thành là cực kỳ quan trọng. Bài viết Mẹ bầu nên uống axit folic vào thời điểm nào và bao nhiêu là đủ sẽ giúp bạn bổ sung những kiến thức cơ bản.
4. Tim bẩm sinh
Cứ khoảng 1000 trẻ em được sinh ra thì sẽ có khoảng 3-5 trẻ mắc loại dị tật này. Đây là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của em bé. Khi các bé mắc bệnh này thì xuất hiện một lỗ thủng giữa phần tâm thất trái và tâm thất phải.
Theo tự nhiên thì sau một thời gian các lỗ thủng này sẽ tự động được bít kín lại mà không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu như phần lỗ thủng đó quá lớn thì có thể gây áp lực lên phần phổi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ và cần phải được phẫu thuật nhanh chóng. Khi siêu âm trong giai đoạn mang thai có thể phát hiện sớm được dị tật này.
Xem thêm: 14 Dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh các mẹ nên chú ý
Trên đây là một số loại dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh và những cách phát hiện sớm. Các mẹ nên đi khám thai định kì để kiểm tra sức khỏe cũng như tình trạng sức khỏe của thai nhi để sớm phát hiện những dị tật và có những phương pháp điều trị kịp thời.