Trong môi trường có người nhiễm vi khuẩn HP thì trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn HP nhất. Nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ nhỏ có nhiều điểm khác so với nhiễm vi khuẩn HP ở người lớn. chính vì thế mà để có giải pháp điều trị kịp thời thì cần hiểu rõ hơn về nhiễm vi khuẩn HP.
Hp gây ra bệnh gì cho bé?
Vi khuẩn Hp chủ yếu gây tình trạng viêm mạn tính trong dạ dày. Phần lớn cũng sẽ không biểu hiện gì đặc biệt và cứ như vậy. Hầu như chưa trường hợp nào gây Ung thư dạ dày ở trẻ em do Hp, nếu có thì chỉ xảy ra khi trẻ đã trưởng thành. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn Hp sau khi xâm nhiễm trong dạ dày cần 1 thời gian nhất định để tiến triển thành các loại bệnh như Ung thư dạ dày. Một số trường hợp trẻ nhiễm Hp (~15%) sẽ gây Loét dạ dày tá tràng. Một số khác, Hp có thể gây ra một dạng U mô lympho trên lớp niêm mạc dạ dày (u MALT) khi lớn lên.
Triệu chứng biểu hiện của các bệnh trên có những đặc trưng riêng, nhưng thường là đau bụng: đau quanh rốn hay ở vùng thượng vị (là vùng ở giữa, nơi tiếp giáp giữa bụng và ngực, còn được gọi là “chấn thủy”), ít khi có ợ chua, đau có thể liên quan đến bữa ăn hay không. Một số trẻ bị loét dạ dày tá tràng có thể vào viện vì nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen hôi. Đôi khi trẻ không biểu hiện gì nhiều ngoài việc ngày càng xanh xao, thiếu máu mà không giải thích được.
Nhiễm Hp ở trẻ em và người lớn có điểm khác biệt nào?
Nhìn chung tỷ lệ nhiễm Hp ở trẻ em trong cộng đồng là thấp hơn người lớn. Càng lớn tuổi thì khả năng mắc Hp càng cao. Một khác biệt nữa là nhiễm Hp ở trẻ em hầu như không dẫn đến các biến chứng ác tính (đây là điều các phụ huynh lo lắng và quan tâm nhất). Trẻ em sẽ có các vấn đề khác người lớn về ăn uống, sinh hoạt, uống thuốc nên việc điều trị và tuân thủ uống thuốc đúng chỉ định cũng có những khó khăn riêng. Cuối cùng, do thường xuyên mắc nhiễm trùng hô hấp trên và phải dùng kháng sinh nên gần đây tỷ lệ Hp đề kháng với kháng sinh ở trẻ em có xu hướng cao hơn người lớn.
Cách phát hiện nhiễm Hp ở trẻ
Những trường hợp nghi ngờ, các bác sĩ sẽ phải hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng và nếu cần sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán cần thiết và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Do vậy, phụ huynh không nên tự đưa trẻ đi test tìm Hp một cách không cần thiết. Nếu có những triệu chứng nghi ngờ, hoặc gia đình có người lớn bị viêm loét dạ dày – tá tràng do Hp, hoặc có người bị ung thư dạ dày thì hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên ngành để được khám và tư vấn và bác sĩ sẽ quyết định bé có cần test hay không, tránh những tốn kém không đáng có cũng như những hoang mang lo lắng khi test dương tính mà không cần điều trị gì.
Những xét nghiệm tìm Hp ở trẻ em
Bác sĩ thường tư vấn phụ huynh để làm nội soi dạ dày. Việc nội soi dạ dày không chỉ để tìm Hp mà quan trọng hơn là đánh giá thực quản, dạ dày và tá tràng trẻ có tổn thương chưa, nếu có thì dạng nào (viêm hay loét, vị trí nào, một hay nhiều chỗ), nặng nhẹ ra sao… Khi nội soi, bác sĩ sẽ bấm lấy một số mẫu thịt nhỏ (sinh thiết) để xem trên kính hiển vi xác định tổn thương (vì nhìn bằng mắt thường chưa chắc đã chính xác), đồng thời tìm HP bằng nhiều phương pháp khác nhau. Các bậc cha mẹ thường lo lắng về việc gây mê, nội soi có quá nặng nề với bé hay không. Thực ra việc chuẩn bị nội soi diễn ra rất cẩn trọng, khám tiền mê và xét nghiệm để đánh giá bé có sẵn sàng và an toàn cho thủ thuật hay không. Gây mê nhẹ nhàng với các bé nhỏ để khi soi xong là bé cũng vừa tỉnh. Với các trẻ lớn hợp tác tốt thì chỉ cần xịt tê tại chỗ là soi được.
Hai loại xét nghiệm HP khác thường dùng để theo dõi sau điều trị xem Hp đã được diệt sạch hay chưa là Test hơi thở sử dụng C13 và tìm Kháng nguyên Hp trong phân. Loại đầu thì dùng cho trẻ lớn trên 7 tuổi, có thể hợp tác tốt, còn loại sau (thử phân) thì dùng cho trẻ nhỏ. Hai loại test này đã được chứng minh giá trị đáng tin cậy của mình trong việc theo dõi Hp sau điều trị ở trẻ em.
Những xét nghiệm khác như nuôi cấy vi khuẩn chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, hay như test huyết thanh thì hầu như không được khuyên dùng ở trẻ em vì những hạn chế trong độ tin cậy của nó.