Viêm dạ dày có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Vì thế để tránh bệnh tiến triển thì chúng ta cần có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.
VIÊM DẠ DÀY LÀ GÌ?
Viêm dạ dày là một trong những bệnh tiêu hóa thường gặp của người Việt Nam. Đây là tình trạng viêm, kích thích hoặc bị xói mòn ở niêm mạc dạ dày.
Viêm dạ dày thường được chia thành 2 dạng là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính.
Viêm dạ dày cấp tính là tình trạng viêm dạ dày xảy ra đột ngột và có tính tạm thời. Nếu điều trị kịp thời, thời gian lành bệnh khá nhanh.
Ngược lại, viêm dạ dày mạn tính là tình trạng viêm dạ dày xảy ra kinh niên, lớp niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm trong thời gian dài. Lúc này, lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như ung thư dạ dày. Bệnh khó điều trị hơn viêm dạ dày cấp tính, nhưng nếu được chữa trị đúng cách và kiên trì, bệnh vẫn sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn.
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BỆNH VIÊM DẠ DÀY
Nguyên nhân trực tiếp
– Vi khuẩn Hp: Đây là một loại trực khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn sinh ra men protease, lipase,… phá hủy lớp màng nhầy giữa acid dạ dày và thành dạ dày. Từ đó, acid sẽ tấn công và tạo thành các vết loét trên niêm mạc dạ dày. Đồng thời, vi khuẩn Hp còn tiết ra men urease gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm thay đổi pH dạ dày, tăng tiết axit, gây loét dạ dày.
Vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm dạ dày và các biến chứng như ung thư dạ dày hay loét dạ dày tá tràng.
Có một sự thật đáng buồn là: 1% người bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày.
– Trào ngược dịch mật: Khi van môn vị đóng không chặt hoặc đóng mở không đúng lúc, dịch mật sẽ trào ngược vào trong dạ dày, khiến cho niêm mạc dạ dày bị viêm.
– Nhiễm trùng: Một số loại vi trùng, vi khuẩn khác có thể tấn công, tạo ra những ổ viêm trên niêm mạc dạ dày.
– Bị bệnh: Một số loại bệnh có thể dẫn đến viêm dạ dày như: crohn, suy thận; sởi, cúm, bạch hầu, thương hàn…
– Di truyền: Nếu bộ mẹ bị viêm loét dạ dày thì con cái cũng có nguy cơ cao bị mắc viêm loét dạ dày. Đồng thời, những người này cũng tái phát bệnh sớm hơn.
Các yếu tố làm bệnh viêm dạ dày tiến triển nặng hơn
– Rượu bia: Rượu bia ức chế sự hình thành lớp màng nhầy giữa axit dạ dày và niêm mạc dạ dày. Đồng thời rượu bia còn gây áp lực lên hệ thần kinh, khiến cho axit bị sản sinh nhiều hơn. Vì thế, rượu bia chính là chất xúc tác để axit sẽ phá hủy niêm mạc dạ dày.
– Ăn uống không khoa học: Ăn không đúng bữa, ăn quá nhanh, ăn đồ ăn cay, nóng, lạnh… cũng là nguyên nhân là tăng nguy cơ viêm dạ dày.
– Thuốc lá, stress: Đây là các tác nhân khiến mạch máu bị co thắt. Do vậy, lượng máu đến dạ dày sẽ bị thiếu hụt.
– Thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs): Loại thuốc này là “kẻ thù” của dạ dày vì gây loét rất mạnh nếu sử dụng kéo dài.
Yếu tố rủi ro gây viêm dạ dày
– Rối loạn tự miễn dịch, gây kích thích lớp niêm mạc dạ dày.
– Các biện pháp điều trị bệnh ung thư như hóa trị liệu, xạ trị liệu cũng có thể gây viêm dạ dày, loét dạ dày thậm chí là xuất huyết dạ dày và các biến chứng khác.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM DẠ DÀY
Triệu chứng chung của viêm dạ dày cấp tính và mạn tính
– Đau bụng ở vùng thượng vị: Khi bị viêm dạ dày, bệnh nhân có thể đau phần ở giữa rốn và xương cụt của ngực. Cơn đau của mỗi người có thể biểu hiện khác nhau như đau bỏng rát, đau âm ỉ, đau quặn từng cơn, đau tức bụng, cơn đau nặng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, bạn có thể sẽ cảm thấy đau lưng, tức ngực…
– Đau ở giữa bụng: Phần giữa bụng chứa nhiều cơ quan tiêu hóa khác nhau. Do đó, cơn đau ở giữa bụng rất khó xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể là do bạn bị viêm dạ dày.
– Ợ chua: Đây là biểu hiện điển hình của bệnh viêm dạ dày. Nếu chỉ có triệu chứng này thì bệnh đang còn ở mức độ nhẹ, nếu được điều trị kịp thời bệnh sẽ nhanh khỏi.
– Buồn nôn và nôn: Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy nhộn nhạo ở dạ dày, muốn nôn nhưng không nôn được hoặc nôn khan, cũng có thể nôn toàn bộ thức ăn ra ngoài. Ngoài nôn và buồn nôn, bệnh nhân còn cảm thấy đắng miệng, khô môi, khô miệng và mệt mỏi.
– Chướng bụng, khó tiêu: Triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc lúc bình thường. Lúc nào bệnh nhân cũng cảm thấy no, tức bụng và không muốn ăn thêm gì.