Câu hỏi: Thưa Luật sư tôi chỉ làm công nhân hợp đồng hết việc là công ty cho nghỉ còn chồng tôi làm công nhân nhà nước công việc ổn định. Con trai tôi sinh ngày 29/5/2012 tính đến nay đã hơn 3 triệu. Liệu ra tòa ly hôn tôi có được quyền nuôi con không? Tôi cũng xin nói thêm lúc trước tôi ly thân chồng 6 tháng tôi đã không mang con theo vì gia đình chồng không cho. Tôi về thăm con thì bị chồng đánh tôi đã không về trong gần 3 tháng. Xin hỏi như vậy tôi có bị khó khăn trong việc nhận nuôi con khi mà có ly hôn chồng tôi cũng không cho nuôi còn dọa dẫm này nọ. Tôi phải làm sao?
Nội dung tư vấn
Thứ nhất, tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
>> Có thể bạn quan tâm: Những giấy tờ cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục ly hôn
Vậy, về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con sau khi ly hôn có thể được các bên đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Thứ hai, tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Vậy, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.
Thứ ba, tại Điều 83 của luật còn quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
Như vậy, trong trường hợp của chị, chồng chị muốn giành quyền nuôi con và chị cũng muốn giành quyền nuôi con thì tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Các quyền lợi đó có thể là: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đi lại… người nào có điều kiện tốt hơn về tài sản, thu nhập, công việc … – nói một cách dễ hiểu là có nhiều tiền hơn, thì sẽ có lợi thế hơn trong việc giành quyền nuôi con, trường hợp của chị hiện tại anh chồng đang có lợi thế hơn. Tuy nhiên, người mẹ (vợ) lại thường có lợi thế hơn về mặt tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy con cái. Vậy, nếu như chị chứng minh được chồng chị có những “thói hư tật xấu” như ham vui rượu bia, vũ phu đối với con hoặc không đôn đốc chuyện học hành của con cái… để có ưu thế về giành quyền nuôi con. Trường hợp của chị chúng tôi chỉ có thể tư vấn một cách chung nhất, chị căn cứ vào những gì chúng tôi đã phân tích như trên để xác định mình có lợi thế về việc giành quyền nuôi con hay không. Bởi vấn đề của chị còn phụ thuộc vào phán quyết của tòa án cùng những chứng cứ chứng minh cho lợi thế về quyền nuôi con của chị.
Nếu bạn còn điều gì thắc mắc. Bạn vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.8698 để được luật sư tư vấn chi tiết.