Trả lời các câu hỏi về giới tính của trẻ là một trong những trách nhiệm quan trong nhất của cha mẹ. Tuy nhiên, tâm lý xấu hổ, thiếu tự tin… khiến cho nhiều bậc phụ huynh né tránh các câu hỏi ‘nhạy cảm’ này. Hậu quả là bố mẹ bỏ mặc nên con đành tự bơi – trẻ tự tìm câu trả lời cho những tò mò của mình nên đã xảy ra không ít ‘tai nạn’ đáng tiếc.
Làm sao đây để hướng đúng đường cho ‘hươu’ chạy? Khi nào trẻ bắt đầu tò mò về cơ thể mình?… Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khi nào trẻ bắt đầu tò mò về giới tính?
Trẻ hứng thú tìm hiểu về cơ thể chúng sớm hơn cha mẹ tưởng. Chúng nhận ra những khác biệt nam-nữ và tò mò một cách tự nhiên từ khi chập chững biết đi. Ở độ tuổi này, chúng thường có thói quen chạm vào ‘vùng kín’ của mình khi tắm hoặc được thay tã. Những hành vi này, cha mẹ không nên lo lắng bởi đó đơn thuần chỉ là sự tò mò vì thế không nên có bất kỳ biện pháp trừng phạt hay quát mắng nào.
Nên làm gì khi trẻ bắt đầu thích khám phá cơ thể mình? Một số cha mẹ chọn cách làm ngơ hoặc hướng sự chú ý của con trẻ đến việc/hành động khác. Nhưng hãy nhớ rằng, bất kỳ phản ứng nào của bạn trước sự tò mò của con sẽ truyền đi thông điệp bạn chấp nhận hay không hành động đó của con.
Trẻ hứng thú tìm hiểu về cơ thể chúng sớm hơn cha mẹ tưởng. (Ảnh minh họa).
Dùng nickname cho bộ phận nhạy cảm?
Khi trẻ lên 3, cha mẹ hoàn toàn có thể chọn cách sử dụng những từ ngữ ‘chuẩn’ cho một bộ phận nào đó trên cơ thể, không cần phải né tránh hay dùng tên gọi khác. Những từ như dương vật hay âm đạo… nên được nói một cách nghiêm túc, thẳng thắn, không ngụ ý hay đùa cợt. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách sử dụng các từ ngữ chỉ bộ phận nhạy cảm đúng mà không cảm thấy xấu hổ.
Mẹ ơi con sinh ra từ đâu?
Đây luôn là câu hỏi đầu tiên mà trẻ thắc mắc khi bắt đầu thích khám phá cơ thể? Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể nói rằng bé lớn lên từ một cái trứng trong lòng mẹ, bạn chỉ vào bụng mình và đi ra khỏi một nơi đặc biệt gọi là tử cung. Không cần thiết phải giải thích về chuyện ấy bởi vì con trẻ sẽ không hiểu.
Và tất nhiên, bé sẽ hỏi thêm rất nhiều các câu hỏi như: “Có phải tất cả các em bé đều được tạo ra như thế không?” hoặc “Cha có thể mang em bé như mẹ không?”… trả lời tất cả những câu hỏi trên, cha mẹ nên dùng từ dễ hiểu, ngắn gọn và nhắc lại một phần nội dung câu hỏi để trẻ dễ nhớ như: “Đúng thế. Bé nào cũng được sinh ra như thế” hoặc “Không. Cha không thể mang em bé như mẹ”.
Thế nào là ‘yêu’ hả mẹ?
Khả năng bé hỏi câu này rất hiếm. Hầu hết trẻ nhỏ 3-4 tuổi không biết và không để ý hỏi một câu hỏi “hóc búa“ như vậy trừ phi các bé tình cờ nghe nói đến hoặc học lỏm từ trẻ lớn hơn hay trên show truyền hình. Nhưng nếu bé hỏi, bạn đừng nên lảng tránh vấn đề. Nói với bé “yêu” là cách cha và mẹ âu yếm để thể hiện rằng cha mẹ rất quan tâm và dành tình cảm đặc biệt cho nhau.
Nếu trẻ chưa thỏa mãn với câu trả lời trên và vẫn tiếp tục ‘truy cứu’ đến cũng thì đừng né tránh. Hãy tiếp tục một cách đơn giản rằng, ‘yêu’ là cách 2 người lớn gần gũi, ở rất gần nhau, họ hôn nhau và đôi khi, sự gần gũi tạo ra em bé.
Cha mẹ cho con tạo ra em bé với?
Một khi bé đã đi quá xa giới hạn cho phép bằng yêu cầu “chứng minh thực tế” này thì bạn nên khéo léo dừng lại. Nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: “Không, cha và mẹ chỉ tạo em bé khi cha mẹ có thời gian riêng tư giữa hai người với nhau mà thôi”. Đồng thời nhẹ nhàng giải thích rằng khi nào con lớn lên, con sẽ được ‘tạo ra em bé’ cùng với người đàn ông hoặc phụ nữ con yêu.
Làm gì khi thấy con ‘khoe hàng’ với bạn?
Trẻ con từ 3-6 tuổi rất có thể sẽ chơi trò ‘bác sĩ’ (cho nhau xem những bộ phận nhạy cảm). Khi chứng kiến hành động trên, không ít phụ huynh có phản ứng thái quá là quát mắng, thậm chí là đánh đòn. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. La mắng không phải là cách giải quyết vấn đề mà cha mẹ khôn ngoan nên hướng sự chú ý của trẻ đến hoạt động khác. Dành cho trẻ khoảng 5 phút, gọi là ‘thời gian tự trấn tĩnh’ sau đó hãy nói chuyện với con đơn giản rằng có những ‘khu vực bí mật’ trên cơ thể con cần giấu kỹ – không khoe với ai, không cho ai sờ mó.
Mời bạn đọc thêm bài viết được độc giả quan tâm: Mẹ kể bé nghe: Chú tinh trùng Willy đi đâu? “Quy tắc đồ lót” mẹ cần dạy con gái |