Xúc động bản rap ông bố 9X dành tặng con gái đầu lòng
Chị em tâm đắc với tâm sự thương vợ đi đẻ của ông bố 8x
Gặp ông bố 89 chủ nhân tâm thư dặn con trai mới sinh gây sốt
Làm sao để con hết biếng ăn, làm sao để con ăn được nhiều hơn, ăn ngon miệng hơn – là vấn đề phổ biến khiến đa số các bà mẹ có con nhỏ phải “đau đầu”. Chị Tống Lê Tâm, sinh năm 1985 (Hà Nội) từng có giai đoạn khá áp lực và căng thẳng khi thấy bé Na, con gái chị rơi vào thời kì lười ăn. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ xinh đẹp có nụ cười tỏa nắng này đã có “chiêu” kích thích bé ăn ngon miệng vô cùng độc đáo: cho con vào bếp nấu nướng cùng mẹ. Bé Na không chỉ hào hứng với bữa ăn hơn hẳn mà còn học thêm được nhiều điều mới lạ từ thế giới nhà bếp đầy màu sắc và hương vị sinh động.
Bà mẹ trẻ xinh đẹp có nụ cười tỏa nắng này đã có “chiêu” kích thích bé ăn ngon miệng vô cùng độc đáo: cho con vào bếp nấu nướng cùng mẹ.
Ý tưởng cho con sớm tiếp xúc với bếp núc của chị bắt nguồn từ đâu?
Mình là giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học Quốc tế tại Hà Nội. Trong quá trình giảng dạy, mình có làm việc cùng một giáo viên người Úc và được nghe kể chuyện người nước họ luôn để trẻ con vào bếp cùng làm bánh. Mình cũng đã từng đọc một cuốn sách tiếng Anh nói về cách dạy trẻ kiểu này, thấy thú vị nên đã tò mò học thử (cười).
Bé Na, 2 tuổi, đang giúp mẹ làm bánh pizza.
20 tháng tuổi, độ tuổi này khá nhỏ và đa phần các bé tuổi này còn chưa có ý thức tự giúp được cho bản thân, nhiều bé đút thức ăn tận nơi còn “ngúng nguẩy”, khóc quấy. Chị đã làm thế nào để “dụ” được bé Na vào bếp?
Mình không để con coi bếp núc là một công việc mà biến đó thành trò chơi bán đồ hàng để thu hút con. Cho con đeo tạp dề, gấp cho con chiếc mũ đầu bếp, bé sẽ có cảm giác mình là người đầu bếp tí hon thực thụ và bị cuốn hút vào trò chơi.
“Cho con đeo tạp dề, gấp cho con chiếc mũ đầu bếp, bé sẽ có cảm giác mình là người đầu bếp tí hon thực thụ và bị cuốn hút vào trò chơi.”
Ngoài ra, nhiều thứ Na mới được học trong sách nhưng nay đã được thấy tận mắt nên bé rất thích thú. Na luôn đặt ra câu hỏi cho mẹ như “Quả cà chua có cay không mẹ?” , ngô vừa lấy ra khỏi tủ lạnh Na sẽ hỏi: “Sao ngô lạnh thế mẹ?”, hay rắc phô mai thì nàng bảo: “Sao dính thế mẹ?” “Sao mềm thế mẹ?”
Chị cho bé Na vào bếp từ khi nào? Có bao giờ bé nấu nướng cùng mẹ rất vui nhưng sau đó lại không ăn món mình vừa làm không?
Mình cho bé vào bếp từ lúc 20 tháng, giờ bé 26 tháng rồi. Mình cũng chưa thấy con không ăn món nào, chỉ là ít hay nhiều nhưng thế mình sẽ biết được khẩu vị của bé hay món yêu thích của bé để có cách điều chỉnh cho phù hợp.
Chị Tâm cho bé Na vào bếp từ lúc 20 tháng, hiện tại bé được 26 tháng tuổi.
Đến nay bé đã có thể cùng mẹ làm được những món gì?
Mình đã dạy bé cách làm bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả dầm, pizza,… Na giúp mẹ rắc phomai, làm đế pizza, nặn bánh dẻo bánh nướng thành thạo lắm. Thường thì nướng xong bánh hay nấu xong món gì là Na ăn ngon lành luôn.
Một số món ăn Na làm cùng mẹ: bánh dẻo hình trái đào…
bánh nướng nhân thập cẩm…
… bánh nướng hình heo con ngộ nghĩnh
Ngoài việc “dụ” con vào bếp để giúp bé ăn ngon miệng hơn, chị còn kinh nghiệm nào muốn chia sẻ cùng những bà mẹ có con lười ăn không?
Mình luôn phải thay đổi cách chế biến món ăn để con không bị “ngán”. Người lớn mình cũng thế mà, không thể ăn mãi một món được. Ngoài ra, mình còn làm nước ép trái cây, sinh tố để cho con dễ tiêu hóa và kích thích con ăn ngon miệng hơn.
Nướng xong bánh hay nấu xong món gì cùng mẹ là Na ăn ngon lành luôn.
Chị có áp dụng kiểu dắt con đi rong hay dỗ con ăn bằng cách xem tivi, máy tính?
Mình không thích kiểu đó(cười).
Nhiều chị em ngại bày vẽ nấu nướng, sợ tốn thời gian mà con lại không ăn thì “phí của”, nếu cho con vào bếp cùng thì càng tốn thời gian hơn. Quan điểm của chị về việc này thế nào?
Mình nghĩ việc biết cách sắp xếp thời gian là quan trọng nhất. Mình dạy cả ngày ở trên trường nhưng vẫn có thể sắp xếp làm cùng con vào buổi tối hoặc cuối tuần. Đã về nhà là đặt điện thoại sang một bên để thật sự bên con. Hồi đầu nuôi con mình có hơi stress vì chưa biết cách sắp xếp thời gian nhưng khi đã quen thì nhàn đi rất nhiều rồi.
Dù công việc giảng dạy bận rộn cả ngày, chị Tâm vẫn dành thời gian bên con.
Mục đích duy nhất chị cho con vào bếp chỉ là dỗ bé ăn nhiều hơn?
Mình để bé vào bếp không chỉ giúp bé ăn ngon miệng hơn mà còn dạy con nhiều điều về các loại rau củ, màu sắc, mùi vị. Mình cũng kết hợp dạy cho con tên các thực phẩm bằng tiếng Anh luôn như “quả trứng” là “egg”, “quả táo” là “apple”,…
Cho con vào bếp còn là cách chị Tâm dạy con về thế giới thực phẩm nhiều màu sắc hương vị sinh động và kết hợp cho Na học tiếng Anh.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện thú vị này!