Trẻ trung, xinh đẹp và là một MC truyền hình tài năng nhưng bên cạnh đó, MC Minh Trang (hiện đang công tác tại kênh VTV4 – Đài truyền hình Việt Nam) còn được nhiều người yêu mến bởi là một bà mẹ trẻ rất khéo chăm con. Bé Daisy, con gái nữ MC xinh đẹp hiện đã 3 tuổi, rất thông minh và lanh lợi.
Bà mẹ trẻ 8x rất được lòng chị em khi thường xuyên đăng tải trên facebook cá nhân những bài viết về phương pháp nuôi dạy con như một cách chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ của bản thân đến các bà mẹ cùng mối quan tâm.
MC Minh Trang và con gái đầu lòng
Cách đây vài tiếng, nữ MC tài năng lại vừa khiến nhiều người vô cùng tâm đắc với bài viết mới nhất mang tiêu đề “Câu chuyện về cái “đánh chừa” và việc giáo dục nhân cách cho Daisy”.
Trong chia sẻ của mình, MC Minh Trang kể lại một tình huống rất đời thường mà bất cứ bà mẹ nào cũng từng gặp phải trong việc nuôi dạy con: Bé Daisy, cô con gái nhỏ của bà mẹ trẻ bị ngã và muốn mẹ “đánh chừa” cái tường vì “làm con đau”. Tuy nhiên, thay vì chỉ đơn giản mất 5 giây để nói “đánh chừa” nhằm xoa dịu cơn đau và sự nhõng nhẽo của cô con gái, MC Minh Trang lại có cách giải quyết hoàn toàn khác biệt.
Bài viết của MC Minh Trang nhanh chóng nhận được hàng trăm sự quan tâm và bình luận của các bà mẹ.
Bài học về giáo dục nhân cách cho con của MC Minh Trang được rất nhiều người ủng hộ.
Được sự đồng ý của MC Minh Trang, xin đăng tải nguyên văn câu chuyện và bài dọc dạy con nhân cách rất ý nghĩa này:
Sáng dậy rõ sớm nhưng vẫn mất đến cả tiếng đồng hồ với bạn Daisy, mới mò ra được khỏi nhà. Nhưng hôm nay đặc biệt nghiêm trọng, vì lý do muộn không phải là do ngủ nướng hay tác phong lề mề, mà là do chương trình uốn nắn tâm lý lứa tuổi mẫu giáo của mẹ và bạn í. Sau khi đi pee pee (đi tiểu – PV) xong, bạn í đã bước hụt và va đầu, khuỷu tay vào tường nhà vệ sinh. Chắc cũng có chút bối rối vì mắt vẫn còn cà nhèm sau 1 buổi tối tham truyện, ngủ hơi muộn hơn bình thường. Phản xạ bình thường, dễ hiểu là khóc toáng lên, xong quay ra nói:
– “Mẹ ơi, bạn tường hư quá làm con đau, mẹ đánh chừa bạn tường đi”
Một câu nói khá là bình thường của bạn í, nhưng sâu xa của việc này, mình nghĩ không bình thường chút nào. Mình đã tiên liệu việc này, và sẵn hôm dậy sớm, sẽ quyết làm ra ngô ra khoai với bạn í. Cách xử lý của mình ư?
– Mẹ Moon: Daisy ơi, con có đau lắm không? Con đau ở đâu, chỉ cho mẹ xem nào?
– Daisy: Đây, đây, với cả đây nữa. (nói chung sẽ đâu nhiều chỗ hơn chỗ chính xác bị đau, kèm theo rất nhiều nước mắt lã chã, nhưng ít nhất sẽ dừng việc khóc thét lên)
– Mẹ Moon: Thế bi giờ mẹ kissy mấy chỗ đấy để sơ cứu nhé (nhà mình, hễ ai bị đau thì người còn lại sẽ kiss vào chỗ đấy là hết đau, còn từ “sơ cứu” là từ ở trong truyền tối qua đọc)
– Mẹ Moon: Con đỡ đau hơn chưa?
– Daisy: đỡ 1 tẹo rồi ạ
– Mẹ Moon: Thế mẹ hỏi, vừa nãy là con sai hay bạn tường sai?
– Daisy: Bạn tường sai, bạn tường làm con đau
– Mẹ Moon: Bạn ấy làm gì con?
– Daisy: Bạn ấy làm đầu con đau (đuối lý rồi, lặp lại câu trên, chả nghĩ ra được lý lẽ nào mới)
– Mẹ Moon: để mẹ tả lại xem có đúng không nhé: bạn Daisy đi vào nhà tắm ngồi trên bồn vệ sinh, đi pee pee, bạn tường đứng bên cạnh con, không động đậy tí gì. Daisy peepee xong, Daisy đứng dậy, bước xuống, ghế rồi xuống sàn nhà, nhưng Daisy không chịu mở mắt, bước vào cạnh cái ghế rồi ngã sang bên cạnh. Va vào bạn tường. Lúc này bạn tường vẫn đứng im không động đậy. Daisy va vào bạn tường khá mạnh, Daisy bị đau, Daisy khóc. Nhưng bạn tường vẫn đứng im. Thế thì là Daisy làm bạn tường đau, hay bạn tường làm Daisy đau nhỉ?
– Daisy: là Daisy làm bạn tường đau (lí nhí, rất miễn cưỡng)
– Mẹ Moon: đúng rồi, bạn tường từ sáng đến giờ đứng yên 1 chỗ, Daisy ngái ngủ không chú ý nên va vào bạn í. Daisy bị đau, nhưng con có nghĩ là bạn tường cũng đau lắm không? Mắt của bạn tường ở bên trong, nên bạn ấy khóc con không nhìn thấy được, chứ bạn ấy đau lắm đấy, lại không có mẹ Moon kissy cơ. Mẹ nghĩ là Daisy nên xin lỗi bạn tường đi. Không bạn ấy buồn lắm.
– Daisy: (Mặt đầy thương cảm, giơ tay lên vuốt ve bạn tường): chị xin lỗi em tường, chị sai rồi, lần sau chị không thế nữa (câu xin lỗi truyền thống đã cài đặt sẵn). Em còn đau lắm không? Chị chẳng may, chị không cố tình làm em đau đâu.
Rồi thế là xong, túm lại cả màn vỗ về lúc đầu và màn phân bua lúc sau mất khoảng 15 phút. Đi học hơi muộn nhưng 15 phút ấy, mình nghĩ sẽ quan trọng với cuộc đời của con sau này. Đã có không ít lần mình phân bua với Daisy kiểu này khi ra bên ngoài, bảo con xin lỗi cái cánh cửa, cái bàn, cái ghế… Những người có mặt tại đó chứng kiến việc Daisy ngã ra đường, mình không chạy ra ôm luôn mà để cho con khóc hết 1 chập, ra đứng cạnh và nói lý với con, họ cười xòa rồi bảo, sao lại nghiêm khắc với con quá vậy, phải chạy lại đỡ nó dậy ngay chứ. Mình không trả lời, chỉ tiếp tục nói chuyện với con, đến khi con chịu xin lỗi và tự nhận ra lỗi là của ai thì thôi. Lúc đấy quay lên mấy người kia đã đi hết rồi.
Bà mẹ trẻ 8x rất được lòng chị em khi thường xuyên đăng tải trên facebook cá nhân những bài viết về phương pháp nuôi dạy con như một cách chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ của bản thân đến các bà mẹ cùng mối quan tâm.
Trở lại “vụ án” bạn Daisy vs bạn tường. Nếu vấn đề chỉ là khóc, chỉ là mè nheo, chỉ là kêu đau thì không sao, nhưng việc đổ lỗi cho bạn tường hư, rồi cả việc “trừng trị” bạn tường cho việc hư đấy nếu lặp lại nhiều lần, mình a dua theo con chỉ vì muốn nhanh nhanh đi học, chỉ vì muốn xoa dịu cái sự đau (do con hậu đậu), mà lại giơ tay lên đánh vào không khí, hoặc “đánh yêu” cái tường thì chẳng khác nào hùa với con đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mình đã từng chứng kiến nhiều ông bà, bố mẹ, khi con ngã, con làm gì sai, con không chịu ăn…thay vì việc nói chuyện, giải thích cho con hiểu, thì lại xử lý bằng việc chủ động thay con đổ lỗi cho 1 thứ gì đó (cái nền nhà, cái con ma, cái con lười ăn, người đối diện) rồi giơ tay “đánh chừa”. Con sẽ hả hê vì có một thứ khác bị chịu lỗi mà không phải là mình.
Dần dần khi lớn lên, việc đổ lỗi (cho người khác, cho hoàn cảnh) sẽ trở thành thói quen khó bỏ của con trẻ, đặc biệt là những năm tháng đi học, con phải đối diện với vô vàn khó khăn và thất bại. Từ việc học bị điểm kém hơn bạn, ít đồ chơi, quần áo đẹp hơn bạn, con sẽ có thói quen đổ lỗi cho giáo viên (thiên vị), cha mẹ (không thương con), cho hoàn cảnh không thuận lợi.Nếu kéo dài sẽ khiến con mất dần sự tự tin và luôn nhìn cuộc sống thiếu thiện cảm và trở nên khó hòa đồng với xã hộii hoặc trở thành một con người khắc nghiệt, không bao giờ tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình.
Trình tự giải quyết tranh chấp của mình:
1. Để cho con khóc 1 lúc cho nguôi cơn
2. Bước lại, hỏi han chia sẻ
3. Xử lý làm giảm cơn “đau”
4. Cùng con thuật lại sự việc. Cho con quyền kể lại và nhận định sự việc theo cách hiểu của con. Hỏi những câu hỏi mở để con tự nói. Nếu con không nói thì hỏi câu hỏi “Có, Không”.
5. Chỉ kết luận dựa trên dữ liệu từ câu trả lời của con, để con sẽ hoàn toàn đồng ý với kết luận đó của mình
6. Khích lệ con làm lại một cách đúng đắn hơn (xin lỗi bạn tường)
7. Nếu từ bước 4 con không hợp tác, cũng không sao. Hay tự làm mọi việc, nhưng đóng vai là con. Chỉ cho con thấy, làm đúng, sẽ phải như thế nào.
Các bạn sẽ chọn việc bỏ ra 15 phút để cùng con xây dựng nhân cách, hay 5 giây để đánh yêu cho xong chuyện?