Dưa hấu, nho, lựu, chanh… là những loại quả rất quen thuộc trong cuộc sống, tuy nhiên khi sử dụng nhiều người vẫn đang bỏ phí đi một phần tinh túy của chúng mà không biết, đó là phần hạt.
Có lẽ bạn sẽ khá bất ngờ khi cập nhật những thông tin dưới đây:
Hạt nho: chống lão hóa, ung thư
Theo thói quen, đa phần người Việt Nam không có thói quen ăn nho cả hạt, thường nhần ra bỏ đi mà không biết nó vô cùng tốt.
Hạt nho quý đến nỗi, người Tây Ban Nha coi đây là một loại thực phẩm có vị trí đặc biệt dành riêng cho giây phút thiêng liêng nhất đó là đêm giao thừa.
Trong hạt nho có chứa một nhóm hoạt chất được các nhà khoa học gọi tắt là OPC vừa có công năng chống lão hóa vừa có thể chống lại các bệnh ung thư.
Đồng thời nhiều nghiên cứu cho thấy chiết xuất B2G2 trong hạt nho có thể khiến tế bào ung thư tuyến tiền liệt chết mà không làm tổn hại đến tế bào lành.
Trong vỏ hạt nho có chất Resveratro là loại chất tương đồng với hormone oestrogene của con người. Chúng có tác dụng tốt với lượng cholesterol và với thành mạch trong cơ thể, củng cố hoạt động của hệ tim mạch.
Dầu hạt nho cũng là một thành phần quan trọng có trong hầu hết tất cả các loại sản phẩm làm đẹp, chứa nhiều axit linoleic rất có lợi cho tim mạch. Dùng dầu hạt nho hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ 39 – 56%.
Hạt dưa hấu: tăng cường sức khỏe da
Không lạ gì khi bạn thấy một người ăn dưa hấu bỏ hạt, thậm chí với con cái mình bạn cũng hướng dẫn hoặc giúp bé tách hạt trong khi ăn. Tuy nhiên, bạn nên ăn cả hạt dưa hấu hoặc mua hạt dưa hấu riêng biệt sau khi đã được sấy khô về ăn.
Hạt dưa hấu rất giàu protein, magiê và vitamin B, giúp hỗ trợ hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe da. Vitamin B rất cần thiết để chuyển đổi thức ăn thành năng lượng để hỗ trợ tất cả các chức năng của cơ thể. Magiê giúp bạn ngủ ngon hơn, ngăn ngừa đau đầu và thậm chí còn giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn sau khi làm việc.
Hơn nữa, hạt dưa hấu có chứa các axit béo không bão hòa như axit linoleic, có thể giảm lượng chất béo và cholesterol trong máu, giúp phòng và điều trị bệnh tim mạch.
Ngoài ra, lượng axit béo không no trong hạt dưa hấu khá phong phú nên loại hạt này còn có tác dụng hạ huyết áp cao, phòng ngừa xơ cứng động mạch, là món ăn nhẹ của những bệnh nhân huyết áp cao.
Hạt vải: dược liệu đa năng
Trước kia, Đông y đã phân tích hạt vải có vị ngọt chát, tính ấm, vô độc giúp hành khí tán kết, tán hàn chỉ thống. Ngày nay, kết quả nghiên cứu về hóa học và dược lý đã phát hiện thêm một số tác dụng mới của hạt vải khiến bạn bất ngờ.
Cụ thể, thuốc chế từ hạt vải có tác dụng ức chế rõ ràng đối với kháng nguyên bề mặt của virut viêm gan B; có tác dụng phòng ngừa hình thành sỏi mật, có khả năng chữa trị một số thể bệnh đau dạ dày.
Hạt vải có tác dụng cải thiện quá trình chuyển hóa đường, có khả năng phòng trị đái tháo đường, cũng như phòng ngừa các biến chứng thận ở những người mắc đái tháo đường; Cơ chế tác động đối với đường huyết của hạt vải tương tự như tác dụng của biguanide.
Hạt vải được sử dụng đúng cách còn có thể sử dụng để chữa trị một số bệnh khác như đau dạ dày mạn tính, phòng sỏi mật, chữa tinh hoàn sưng đau, Phụ nữ thống kinh, sản hậu đau bụng…
Hạt chanh: chữa ho hữu hiệu
Kể cả chanh thường dùng để vắt nước hay chanh leo thường dùng làm sinh tố, thì hạt của chúng cũng rất tốt, bạn có biết?
Với hạt chanh thường, khi được giã nhỏ và hấp cách thủy cùng với đường phèn, mật ong sẽ trở thành một bài thuốc chữa ho đơn giản và rất công hiệu cho các bé. Một số các bà nội trợ khi ngâm mật ong chanh đào cũng tỉ mỉ ngồi tách hạt, đó là điều hoàn toàn không nên vì như vậy là đã bỏ đi một thành phần quan trọng làm giảm tác dụng bài thuốc.
Bên cạnh đó hạt chanh còn được dùng để giải độc chữa rắn cắn bằng cách, lấy hạt chanh tươi hoặc phơi khô 10-20g nhai nhỏ, nuốt nước, lấy bã đắp vào vết cắn (hạt chanh rất đắng có tác dụng giải độc tốt).
Đối với quả chanh leo thì hạt chanh là một nguồn chất xơ tuyệt vời nên bạn cũng không cần loại bỏ hạt khi uống. Chính chất cơm nhầy bao quanh hạt làm cho chanh dây có mùi thơm đặc biệt và nó còn có tác dụng nhuận trường, chữa táo bón.
Hạt và vỏ quả lựu: tốt cho tiêu hóa, chữa ghẻ ngứa
Theo Đông y, vỏ quả lựu vị chua, chát, tính ôn, có tác dụng làm săn ruột, cầm tiêu chảy, trừ giun, khử trùng…. Nếu bị ghẻ ngứa, bạn hãy lấy vỏ quả lựu sắc để ngâm, tán bôi lên chỗ tổn thương – có thể ngâm vào rượu hoặc cồn để dùng hoặc lá lựu tươi giã nhuyễn xoa xát.
Không những thế hạt lựu (cả nhân) rất giàu chất xơ nên khi ăn hạt lựu sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn cũng như hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Hạt lựu còn chứa rất nhiều vitamin C và K. Vitamin C giúp tăng cường sức khỏe, mau lành vết thương, giúp nướu răng khỏe mạnh. Vitamin C còn giúp bạn có một làn da đẹp, vì vitamin C thúc đẩy cơ thể sản xuất collagen và elastin. Vitamin K làm đông máu, và giúp bạn duy trì xương chắc khỏe.