Ngày nay, các bà mẹ vẫn hay truyền nhau câu nỏi “nuôi con chiều dài chứ không ai nuôi con chiều ngang”. Có thể thấy được, vấn đề cải thiện chiều cao cho thế hệ sau đang rất được xã hội quan tâm. Chị em không tiếc tiền mua sữa ngoại, thuốc bổ sung canxi, vitamin D, cho bé ăn nhiều tôm cua hải sản…chỉ để con sau này có chiều cao lý tưởng.
Tuy nhiên, một số bà mẹ dường như đã quá lạm dụng thực phẩm để ‘nhồi nhét’ . Việc nuôi con không theo kiến thức khoa học sẽ chỉ ‘lợi bất cập hại”.
Liên quan đến vấn đề tăng chiều cao cho trẻ, tất cả các bà mẹ đều biết rằng để con phát triển chiều cao, ta cần bổ sung cho bé những thực phẩm giàu canxi. Tuy nhiên, bổ sung như thế nào và liều lượng ra sao không phải bà mẹ nào cũng rõ..
Xin liệt kê ra đây những lỗi “kinh điển” của các bà mẹ Việt bất cẩn chúng ta:
Chỉ ninh xương nấu cháo cho con
Lỗi “khổ lắm nói mãi” này thực ra vẫn rất nhiều bà mẹ Việt mắc phải. Vì muốn con hấp thụ canxi để phát triển chiều cao, nhiều mẹ thường mua xương ống ninh lấy nước nấu cháo cho con ăn hàng ngày.
Trên thực tế, trong xương có nhiều canxi nhưng đều ở dạng vô cơ rất khó hấp thụ. Khi ninh nấu dù tốn bao nhiêu giờ, lượng canxi này vẫn tồn tại trong xương là chính chứ không hòa tan ra nước dùng. Muốn trẻ hấp thụ canxi từ xương, có lẽ mẹ phải cho bé ăn…nguyên khúc.
Vỏ tôm không chứa nhiều canxi như mẹ tưởng
Lượng canxi trong vỏ tôm rất ít, lại là loại canxi khó tiêu (ảnh minh hoạ)
Rất nhiều bà mẹ không tiếc tiền mua hẳn loại tôm sú 400.000 – 500.000 VND một kg để rim hoặc hấp luộc cho con ăn cả vỏ rồi ‘ôm mộng’ cơ thể bé sẽ hấp thụ thêm được nhiều canxi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực chất vỏ tôm không có chất canxi. Vỏ tôm cấu tạo từ chitin, tương tự như vỏ của con giun đũa, côn trùng. Thực sự nó không có nhiều giá trị dinh dưỡng so với thịt tôm. Ăn nhiều vỏ tôm có thể gây trĩ nhưng ăn ít thì cũng có tác dụng như một loại chất xơ chống táo bón. Nguồn canxi chính của tôm lại chủ yếu ở thịt, chân và càng. Nếu ăn phải vỏ tôm, hệ tiêu hóa của trẻ cũng không hấp thụ được và sẽ bài tiết ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ nên bóc vỏ tôm để trẻ không bị hóc hay đau miệng do vỏ dày đâm phải.
Nếu mẹ quá “tiếc” vỏ tôm, có thể xay nhuyễn rồi đun lấy nước ngọt dùng quấy bột, nấu cháo cho trẻ sẽ có tác dụng tăng hương vị, ngọt nước.
Ăn váng sữa thay sữa
Trẻ biếng ăn sữa thì nhiều nhưng hiếm có bé nào lại biếng ăn…váng sữa. Với quan niệm “váng sữa là những gì tinh tuý nhất của sữa”, nhièu mẹ Việt thường cho con ăn vô tội vạ và lạm dụng loại thực phẩm này. Tuy nhiên trên thực tế, để làm ra chỉ 1 kg váng sữa người ta phải cần tới 100kg sữa. Trong khi đó, nhiều loại váng sữa nhập khẩu từ Đức, Pháp… lại có thành phần chủ đạo là “sữa nguyên chất”, “sữa nguyên kem”, hoặc ghi chung chung là sữa. Tên gọi “váng sữa” chỉ là tên Việt hoá của các sản phẩm hiên có trên thị trường. Váng sữa nhiều chất béo và chỉ nên dành cho các bé suy dinh dưỡng, cần tăng cân chứ không có tác dụng thay thế sữa tươi. Cho con ăn váng sữa thay sữa là mẹ đã gián tiếp hạn chế chiều cao trẻ.
Cho trẻ ăn quá nhiều thịt bò
Thịt bò nhiều axit khiến cơ thể phải dùng canxi để trung hoà, dẫn đến mất canxi ở trẻ nếu ăn quá nhiều (ảnh minh hoạ)
Mẹ biết rằng thịt bò chứa rất nhiều sắt, nhiều protein và rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sự thật là, những người hay ăn thịt bò lại là những người thiếu canxi nghiêm trọng. Bởi vì bản thân thịt bò chứa rất ít canxi. Đồng thời, trong thịt bò còn giàu các nguyên tố có tính axit, chủ yếu là phốt pho, lưu huỳnh và clo – nguyên nhân khiến máu có tính axit. Khi trong máu có axit cơ thể phải dùng canxi trong thực phẩm và canxi trong xương để trung hòa, từ đó tăng sự bốc hơi canxi và giảm hấp thụ canxi trong cơ thể. Cho nên, nếu bé đang thiếu canxi mẹ nên cho bé ăn vừa đủ thịt bò, bổ sung thêm các loại hải sản và thịt trắng khác.
Nấu cải bó xôi cùng với hải sản
Đậu, khoai lang và cải bó xôi là những thực phẩm có chứa rất nhiều axit Phytic. Axit này sẽ liên kết với canxi trong cơ thể tạo thành muối. Kết quả là canxi chẳng được hấp thụ vào cơ thể bé mà thậm chí vì lý do sức khỏe, cơ thể trẻ sẽ còn “trục xuất” các hợp chất muối mới này dưới hình thức chất thải. Do vậy, nếu mẹ đã mua tôm, cua hay các loại hải sản cho con ăn thì mâm cơm hôm đó của bé nên tránh có đậu, đậu phụ, khoai lang và rau cải bó xôi. Nếu không sẽ chỉ là phí hoài.
Sữa chua hộp và sữa chua nước là như nhau
Hiện nay trên thị trường, ngoài những loại sữa chua lên men từ sữa nguyên chất được đóng hộp dạng dẻo còn có rất nhiều những loại sữa chua dạng nước được gọi với cái tên thông dụng là “sữa uống lên men”. Sữa chua dạng nước có thành phần chủ yếu là sữa bò hoặc bột sữa, đường, axit chua, axit chanh hoặc axit táo, hương liệu, chất bảo quản… Nhiều phụ huynh tin rằng sữa chua và sữa chua dạng nước đều tốt cho sức khỏe của trẻ và giúp bé phát triển chiều cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị dinh dưỡng của 2 loại sữa chua này hoàn toàn khác biệt. Dinh dưỡng trong sữa chua dạng nước chỉ bằng 1/3 so với sữa chua nguyên chất, do đó, không thể dùng thay thế cho nhau. Nếu muốn con tang chiều cao tốt, mẹ nên ưu tiên cho bé ăn sữa chua hộp.
Cho con uống nhiều nước uống có ga
Bọt khí trong nước uống có ga chứa chất hóa học “ăn mòn” canxi của xương, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao của bé. Con bạn có thể bị lùn hơn so với ngưỡng chiều cao mà bé có thể đạt được nếu như mẹ cho bé uống nước có ga quá nhiều.
Các chuyên gia y tế khuyên mẹ nên thay loại đồ uống này. Chẳng hạn mẹ có thể cho bé uống nước chanh, hay cam… đây là loại thức uống rất tốt cho thể chất và tinh thần của bé, lại chứa nhiều vitamin C, D, A – tốt cho quá trình chuyển hóa, hỗ trợ hấp thu canxi cho cơ thể.