Nhầm dầu hỏa với nước trà
Mới đây nhất bé Nguyễn Văn L. 3 tuổi trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội nhập viện chiều 9/10 vì bị ngộ độc dầu hỏa. Theo mẹ của bé, trong lúc bất cẩn, chai dầu hỏa được bà nội đựng vào lọ nước trà xanh 0 độ đã dùng từ trước. Mọi người không để ý, cháu bé đã mở nắp lấy uống. Chị Hoa mẹ của bé đang làm bếp thấy con khóc ho liên tục. Chị chạy ra thì thấy cháu bé hơi nồng nặc mùi dầu hỏa.
Hai mẹ con cháu bé vội bắt taxi vào bệnh viện cấp cứu. Theo bác sĩ tại khoa Nhi khi nhập viện cháu bé ho nặng, miệng đầy hơi dầu hỏa. Dù cháu không có dấu hiệu ngộ độc nặng nhưng bác sĩ vẫn cho nhập viện để theo dõi tình trạng viêm phổi do hóa chất.
Cách đây vài ngày, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cấp cứu cho một trường hợp uống nhầm dầu hỏa đựng trong chai lavie để tra vào đèn dầu bàn thờ. Cháu bé cũng phải nằm viện cả tuần điều trị ngộ độc do hóa chất.
Chị Vũ Thị Mai vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại câu chuyện bé Quỳnh Anh 4 tuổi, con gái của chị uống nhầm cồn. Chị Mai cho biết cháu bé có thói quen được mẹ cho súc miệng bằng nước muối sinh lý để diệt khuẩn trước khi đi ngủ. Mọi ngày, chị bận là bảo con vào lấy chai nước muối loại 0,5 lít để xúc miệng. Nhưng hôm đó chồng chị vừa nướng mực bằng cồn. Lọ còn dư anh để mặt bàn.
Cháu Quỳnh Anh thấy thế tưởng lọ nước muối nên mở ra uống. Ngay lập tức cháu khóc ré lên. Vợ chồng chị Mai chạy từ bếp ra thì phát hiện cháu đã uống nhầm lọ cồn. Ngay sau đó, chị đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Rất may mắn cháu bị bỏng niêm mạc, không viêm phổi do hít phải cồn.
Chủ yếu do bất cẩn của cha mẹ
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày như các bệnh nhi trên không phải là hiếm gặp. Rất may những ca tai nạn này đều chưa gây hậu quả hiểm nguy bởi hóa chất đựng trong chai lọ chưa đến mức gây độc.
Theo bác sĩ Nam điều đó rất may mắn nhưng trên thực tế có không ít trường hợp đã tử vong, bỏng họng vì thói quen bỏ hóa chất vào trong các chai nước quen thuốc với trẻ. Mặc dù khuyến cáo, truyền thông rất nhiều nhưng số bệnh nhi nhập viện do ngộ độc hóa chất vẫn còn rất nhiều.
Trẻ uống phải xăng, dầu hỏa nặng phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn, ho. Nếu trẻ uống ở mức độ nhẹ, uống ít có thể được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Hơi độc vào phổi gây tổn thương phế nang. Nếu cộng thêm tình trạng sặc hóa chất vào phổi thì tổn thương, viêm phổi càng nặng nề hơn.
Bác sĩ Nam cho biết người dân có thói quen là hay tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, nước uống để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axít… Những thói quen tưởng như vô hại của người lớn lại là mối nguy hiểm cho trẻ bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại thấy những loại nước uống rất hấp dẫn nên khi vừa nhìn thấy thường uống ngay bởi không ý thức được bên trong chai nước là dung dịch gì.
Ngoài ra, ngộ độc cồn cũng được cảnh báo rất nhiều. Hàng năm trung bình mỗi năm Khoa tiếp nhận khoảng 10 trường hợp nhỏ nhầm cồn. Do đó, các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý vì chai cồn và chai nước muối sinh lý rất giống nhau về hình thức và kích cỡ. Không nên để chai cồn cạnh chai nước muối vì trẻ có thể nhầm lẫn.