Cũng như việc cho bé tập lẫy, tập bò cũng cần có thời gian và bố mẹ nên kiên nhẫn. Vậy bố mẹ cần làm gì để tập bò cho bé một cách tốt nhất? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây:
Dễ dàng thấy rằng, trẻ sơ sinh thường rất thích bò đến những người mà chúng hay gặp hoặc những món đồ chơi mà chúng yêu thích. Để phát triển hoạt động này, bố mẹ hãy giúp cho hoạt động bò của bé trở nên dễ dàng hơn. Tập bò không chỉ giúp cho tay, chân bé trở nên chắc chắn, tăng khả năng sử dụng tay để bé giành mục tiêu dễ dàng mà nó còn kích thích giác quan phù hợp, thiết lập, củng cố chúng. Bài tập học bò sẽ giúp bố mẹ dạy bé tập ngồi và đi dễ dàng hơn sau này.
Dấu hiệu nhận biết bé chuẩn bị tập bò
Khi bé nghe những tiếng ồn, chân bé giơ lên và vung vẩy hoặc khi bé nhìn thấy một đồ vật gì đó, bé cố sức vươn tay ra bắt lấy,… thì đó là lúc bé muốn tập bò. Ngoài ra, khi bé đang nằm sấp đầu, cổ và lưng bé đu đưa nhiều cũng là dấu hiệu cho biết bé sắp biết bò.
Xem thêm:
Ban đầu, bé sẽ khó khăn trong việc tập bò bởi bé chưa biết phải thực hiện việc bò như thế nào. Bé sẽ loay hoay di chuyển bàn chân trong khi lòng bàn tay chạm xuống sàn. Vì thế, bố mẹ hãy giúp bé sớm vượt qua hành trình gian nan này nhé!
Thời điểm phát triển của mỗi bé không giống nhau. Vì th, nhiều bé có thể tập nói trước khi bò hoặc thời gian biết bò chậm hơn một chút. Nếu bé nhà mình rơi vào trường hợp này thì bố mẹ cũng đừng nên quá lo lắng mà hãy cố gắng giúp bé tập bò một cách hiệu quả nhất.
Tạo không gian tốt cho bé tập bò
Khi bé di chuyển, việc có một không gian thoải mái, rộng rãi sẽ giúp việc tập luyện của bé tốt hơn. Bố mẹ hãy chuẩn bị một môi trường phù hợp cho con. Lưu ý sàn nhà không được bóng nhầy, trơn trượt, bé dễ té ngã và không có đà để rướn về phía trước. Cũng không được đặt bé trên những bề mặt xù xì vì dễ làm tổn thương làn da của trẻ.
Nên tạo cho bé một không gian tập bò thật thoải mái bằng việc sắp xếp đồ đạc gọn gàng, thu ngắn rèm cửa. Mẹ tuyệt đối không để bé leo trèo cửa sổ, bậc thềm hay những khu vực có thể khiến bé té ngã. Các trang thiết bị điện trong nhà phải đặt xa tầm với của trẻ.
Khi tập bò cho bé, bố mẹ nên theo sát từng cử chỉ của trẻ. Khi bò được một đoạn đường, bé sẽ mệt và hay ngả đầu xuống sàn để nghỉ ngơi. Theo sát bé, bạn có thể kịp thời chêm gối cho bé để tránh trường hợp bé bị đập đầu xuống đất.
Giai đoạn tập bò cũng là lúc bé khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy, bố mẹ đừng nên để rơi rớt “trên đường bé đi” những đồ vật nhỏ như đồng xu, nút áo, các loại hạt,…Bé có thể táy máy và nuốt vào miệng sẽ rất nguy hiểm.
Khi tập bò cho bé, bố mẹ nên chọn những bộ quần áo thoáng mát, mềm mại để bé được thoải mái trong suốt quá trình tập bò và tránh gây trầy xước cho bé.
Giúp bé tập bò
Ban đầu, mẹ cho bé bò trên giường. Khuyến khích bé vận động bằng cách đặt món đồ chơi yêu thích trước mặt bé trong cự ly gần để bé tự mình rướn đến lấy. Mẹ hãy đặt bé sẵn sàng ở tư thế bò. Nếu bé không tự mình rướn tới được hãy giúp bé bằng cách giữ chân và đẩy nhẹ về phía trước, nhích từ chút một để bé cảm nhận được lực hỗ trợ và bò dễ dàng hơn.
Khi bé đã quen dần với thao tác bò, mẹ hãy đặt trẻ xuống sàn nhà hay một mặt phẳng rộng hơn để bé tự do hoạt động. Lưu ý không nên đặt bé nằm sấp nhiều vì bé sẽ bị lực chèn ép, gây ra tình trạng tức ngực, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
Bố mẹ có thể dạy bò cho bé theo kiểu sao chép. Mẹ cùng con ngồi trên sàn nhà rồi làm động tác bò cho bé bắt chước theo.
Bố mẹ hãy cùng hỗ trợ nhau khi tập bò cho bé. Một người đối diện với bé trong khi người khác ở phía sau, giúp bé di chuyển tay và chân. Cần thao tác chậm và nhẹ nhàng, khi bé không muốn thì đừng cố ép buộc.
Khi bé chưa làm được các động tác, bố mẹ hãy giúp bé làm thêm lần nữa. Nếu bé làm tốt, bạn hãy khen bé để làm động lực cho con tiếp tục phát triển. Hãy tạo cơ hội tốt nhất có thể để bé hoàn thiện mình qua từng giai đoạn phát triển một cách thuận lợi nhất.
Chúc các mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan.