Không động dao kéo, chỉ cần tiêm là có mũi cao, môi mọng, cằm thon khiến nhiều cô gái không tìm hiểu kỹ đã vội thực hiện, dẫn đến hậu quả đáng sợ. Vậy họ đã tiêm chất gì?
Với kiểu quảng cáo: “nâng mũi không cần phẫu thuật” đã khiến nhiều cô gái không ngần ngại tìm đến các cơ sở không cấp phép tự ý tiêm chất làm đầy (filler), với mong muốn có mũi cao, cằm thon, môi trái tim. Tuy vậy, đẹp đâu chưa thấy, nhiều chị em phải trả giá vì chưa tìm hiểu kỹ phương pháp này.
A.T, 23 tuổi ở Quảng Ninh chia sẻ trên facebook cô rất ân hận vì đã vội vàng tiêm chất làm đầy ở một cơ sở làm đẹp không uy tín. Sau khi tiêm cằm, mũi, dưới cằm cô gái này xuất hiện dị vật dạng mềm có đường kính 2 cm, chạy quanh vùng tiêm. Hai bên sống mũi gồ lên, sờ có những hạt như hạch, khiến mũi đau tức
P.D., 20 tuổi, (Hà Nội) cũng “khổ sở” vì không những không sở hữu được làn môi trái tim mà còn phải chịu đau đớn, thâm sưng. Cô không dám đi ra ngoài vì đôi môi biến dạng. Trước khi thực hiện phẫu thuật, chủ cơ sở thẩm mỹ hứa rằng chất này sẽ tan ngay và biến thành collagen tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, P.D. chia sẻ với Zing.vn, sau 7 ngày sau tiêm, môi cô vẫn sưng, thậm chí vùng quanh tiêm còn bị tụ máu.
Nặng hơn hai trường hợp trên, N.T (Hà Nội), 25 tuổi, có nguy cơ hoại tử đầu mũi sau khi thực hiện nâng mũi bằng tiêm. Sau khi tiêm 5 ngày, đầu mũi của T. sưng đỏ và dần lên mủ vàng, tanh và gây đau đớn.
Chị T. chia sẻ: “Cách đây một tuần, khi mình đi tư vấn khắc phục chiếc mũi bị hỏng, bác sĩ không chắc chắn được đây là chất gì. Khi mình nói là filler thì bác sĩ nói hoàn toàn không phải. Nếu nạo ra, phần da dưới mũi sẽ bị tổn thương vì bị tiêm vào khoang mũi tràn ra hai bên”.
Những người gặp biến chứng khi phẫu thuật thẩm mỹ không dao kéo hiện đang rất hoang mang về chất được tiêm tại các cơ sở làm đẹp.
Việc khắc phục biến chứng duy nhất có thể thực hiện là tiến hành phẫu thuật nạo, lấy chất đã được tiêm ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên phương pháp này có thể dẫn đến tổn thương như chị T. chia sẻ.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, trong chuyên ngành thẩm mỹ chia làm 3 loại, gồm phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ không hoặc ít xâm lấm. Trong đó, không xâm lấn có nghĩa không đụng chạm đến tổ chức da và các tổ chức khác, ít xâm lấn có nghĩa có can thiệp nhưng không làm thay đổi nhiều cấu trúc dưới da, phẫu thuật làm thay đổi tất cả, từ da, xương, cơ, mỡ.
Chất làm đầy hay còn được gọi là filler thuộc thẩm mỹ không xâm lấn. Theo đó, người ta dùng filler tiêm dưới da. “Thực chất filler là một chất thay thế acid hyaluronic trong tế bào của con người. Bởi càng có tuổi, lượng hyaluronic acid sẽ ít dần đi, người ta đã nghĩ đến chuyện thay thế chúng để duy trì sự trẻ trung. Filler được chiết xuất bằng rất nhiều công nghệ, có thể tổng hợp từ bò, cừu. Nhìn chung đây là một chất an toàn trong y tế, giúp bù đắp dịch trong tế bào hoặc các tổ chức bị thiếu hụt, gây mất thẩm mỹ”, PGS Nguyễn Tài Sơn nói. Filler chỉ có tác dụng trong khoảng 4-6 tháng.