Gối thảo dược chống ra mồ hôi trộm, giúp mang lại giấc ngủ êm ái đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng khiến nhiều người tìm mua, đặc biệt là các mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, không phải các loại thảo dược đều lành tính và có thể dùng tùy tiện được.
Bỏ vài chục mua giấc ngủ ngon?
Dạo qua các website, diễn đàn, nhất là những trang dành cho các bà mẹ, các sản phẩm gối thảo dược được rao bán rất nhiều. Các loại gối này đều được quảng cáo bên trong được làm bằng nhiều loại thảo dược như: Lá đinh lăng, ngải cứu, thảo quyết minh, hương nhu… có tác dụng điều hòa nhiều chứng bệnh đối với người lớn và chống ra mồ hôi trộm, đuổi muỗi, làm mát da đầu với trẻ nhỏ giúp ngủ sâu, ngon giấc.
Tại các tuyến phố Sơn Tây, Thái Hà, Lãn Ông (Hà Nội) hay các chợ, mọi người cũng dễ dàng tìm thấy gối thảo dược. Giá cả cũng đa dạng từ vài chục đến khoảng 200.000đồng/chiếc, tùy theo chủng loại. Theo lời giới thiệu của người bán hàng, loại gối này cả người lớn và trẻ em đều dùng được vì “thảo dược đều là thành phần thiên nhiên nên rất lành”.
Trước những tiện ích mới lạ và được giới thiệu vô cùng hấp dẫn về khả năng giúp trẻ ngủ ngon, “trị” chứng mồ hôi trộm của gối thảo dược nên nhiều người săn lùng mua. Song không ít người đã thất vọng khi dùng chúng. Trên các diễn đàn làm cha mẹ, nhiều bà mẹ chia sẻ, sau một thời gian sử dụng, trẻ không ngủ được, quấy khóc nhiều hơn. “Con trai mình được hơn tháng, nghe nhiều người nói về gối thảo dược giúp trẻ dễ ngủ, chống mồ hôi trộm mình tìm mua. Bộ gối thảo dược gồm một gối đầu và hai gối chặn có giá 200.000 đồng nhưng về con luôn khó chịu, không chịu nằm và mồ hôi đầu vẫn ra thấm ướt cả gối”, một thành viên chia sẻ.
BS Nguyễn Quốc Oai – Trưởng khoa Đông Y (Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Hưng Yên) cho rằng, thảo dược có tác dụng chữa bệnh rất tốt nhưng không phải các loại thảo dược đều lành tính và có thể dùng tùy tiện. Nếu người dùng không đúng loại, liều lượng và độ tuổi có khi còn làm hại sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu.
Trong dân gian mọi người cũng hay mách nhau dùng lá đinh lăng xao lên làm gối đầu cho trẻ hoặc dùng gối vỏ đỗ xanh êm, hút ẩm, dễ chịu nhưng cũng chỉ là kinh nghiệm dân gian. Tác dụng của gối thảo dược tới giờ cũng chưa có công trình khoa học nào khẳng định. Các thảo dược có tinh dầu áp vào vùng da lâu ngày, nằm lên đổ mồ hôi sẽ gây dị ứng hoặc bị kích ứng đường hô hấp do có mùi khó chịu khiến trẻ khó ngủ hơn và hay giật mình. Ngay cả gối vỏ đỗ phải được làm cẩn thận từ loại vỏ đỗ đã đãi sạch, lọc rửa sạch, phơi hoặc sao thật khô, phòng trường hợp bị ẩm mốc dễ sinh các con bọ nhỏ.
Gối quá cứng hay quá mềm đều gây hại
Thầy thuốc Nhân dân BS Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng cho rằng, lá cây, vỏ cây, thảo dược đều là những thứ hút nước mạnh. Mặc dù các vị thuốc đã được phơi khô nhưng khi mồ hôi ra thấm vào gối dễ sinh ra mốc, nấm, dòi bọ xuất hiện khiến bé bị dị ứng nặng.
Đặc biệt, vùng đầu, gáy của trẻ nhỏ thường rất nóng. Da trẻ rất nhạy cảm, những loại lá này cũng có thể làm kích ứng da, gây dị ứng cho trẻ. Dùng thảo quyết minh làm gối rất cứng, khiến đầu bé khó chịu, ngủ không ngon, nằm hay quấy khóc. Tốt nhất, mọi người cần tỉnh táo đừng nên nghe người nọ, người kia mách mà sử dụng dẫn đến “lợi bất cập hại”.
Về các thành phần trong gối được quảng cáo làm bằng lá hương nhu, thảo quyết minh… Các chuyên gia nhấn mạnh, lá hương nhu chủ yếu có tác dụng chữa cảm và tuyệt đối không dùng cho những người ra mồ hôi nhiều. Rễ và lá cây đinh lăng có thể dùng làm thuốc bổ. Thảo quyết minh có tác dụng giúp ngủ ngon. Nhưng các loại lá phát huy được công dụng chủ yếu qua uống, xông và phải kết hợp với một số loại khác. Nếu chỉ gối đầu sẽ không có giá trị.
Theo BS Nguyễn Quốc Oai, trẻ ra mồ hôi trộm là do thể trạng sức khỏe và chế độ dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc trẻ của cha mẹ. Nguyên nhân chính là do trẻ còi xương dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật và ra mồ hôi trộm, giật mình, quấy khóc; thiếu vitamin D hoặc do cha mẹ ủ con quá kỹ. Đặc biệt, trẻ càng bụ bẫm, tỷ lệ còi xương càng nhiều.
Để điều trị chứng ra mồ hôi trộm cần nhanh chóng bổ sung vitamin D, canxi cho trẻ. Trong Đông y có bài thuốc Lục Vị Ẩm (thục địa, hoài sơn, sơn thù, mẫu đơn bì, phục linh, trạch tả) vẫn hay cho trẻ con uống để bổ phần âm vì phần dương của trẻ kém.
Nên chọn gối ruột, vỏ làm từ chất liệu vải mềm, thoáng khí, không được quá cứng và nhãn hàng có uy tín. Thường xuyên vệ sinh vỏ gối, tháo ruột gối phơi nắng để diệt nấm mốc. Khổ gối không nên quá rộng, chỉ chọn vừa đủ đầu. Với chiều rộng, chỉ cần bằng hoặc lớn hơn một chút so với độ dài vai. Ở trẻ nhỏ dưới 4 tháng nên chọn gối độ dày là 1 – 2cm, 3 – 4cm cho bé 6 tháng tuổi và 3 – 9 cm cho bé từ 3 tuổi trở lên.
Theo các chuyên gia cơ xương khớp, việc người lớn chọn gối không đúng cũng sẽ ảnh hưởng đến vùng đầu cổ. Gối không nên quá cứng hoặc quá mềm. Nếu quá cứng sẽ chèn vào dây thần kinh ở gáy gây cảm giác tê, đau, ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu ở cổ. Gối quá mềm khi nằm nghiêng, đầu hay bị lún sâu có thể ảnh hưởng đến hô hấp. Dùng gối cao khi ngủ là nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ với triệu chứng tê, đau, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh gây cảm giác khó chịu, khó ngủ.
Việc dùng gối quá thấp hoặc không kê gối khi ngủ có thể khiến lượng máu dồn xuống não quá nhiều, làm cho mạch máu bị sung huyết, gây sưng mặt, cảm giác hoa mắt, chóng mặt sau khi ngủ dậy.
Trẻ dưới 2 tuổi không nên dùng gối cao, vì xương đầu của trẻ vẫn còn rất mềm dễ bị biến dạng như bị chứng bẹp đầu. Xương đầu bị méo khi bé nằm gối ngủ quá lâu với một tư thế nhất định. Xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng, đầu và lưng phải thẳng với nhau, nếu gối cao, cổ bị quẹo, xương sống thay đổi hình dạng dễ ảnh hưởng đến sự phát triển xương sống của trẻ. Nguy cơ trẻ bị dị tật xương sống là rất cao. Cha mẹ chỉ nên dùng một chiếc khăn hoặc gối mỏng cao 1mm cho bé.