Thời tiết thay đổi thất thường khiến bé hay ho và sổ mũi thậm chí viêm phổi, dưới đây là những nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị,các bậc phụ huynh nên tham khảo để có những chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông sắp tới.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em
Theo một số thống kê thì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm phổi ở Đông Nam châu Á với tỷ lệ là 0,36 đợt/trẻ/năm. Trong khi đó, châu Âu là nơi có tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi thấp nhất với tỷ lệ tương ứng là 0,06 đợt/trẻ/năm. Trong số 15 nước có số trẻ mắc viêm phổi hàng năm cao nhất thì Ấn Độ chiếm vị trí số 1 với 43 triệu trẻ. Việt Nam xếp vị trí thứ 9 với tổng số trẻ mới mắc hàng năm là 2,9 triệu trẻ.
Ở nước ta, theo các số liệu thống kê thì viêm phổi chính là nguyên nhân hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 1/3. Hàng năm trung bình tần suất mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của mỗi trẻ là từ 4 – 5 lần. Vì vậy, viêm phổi chính là một trong 3 “hung thần” đối với trẻ em ở các nước đang phát triển cùng với tiêu chảy và suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ
Vi khuẩn
Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị viêm phổi là do vi khuẩn S.pneumonia chiếm tới khoảng 30-50% trường hợp. H. influenzae type b là nguyên nhân vi khuẩn đứng hàng thứ 2 chiếm khoảng 10-30% và tiếp theo là S.aureus và K.pneumonia.
Viêm phổi là bệnh lý về viêm nhiễm đường hô hấp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ
Virus
Một số nghiên cứu về viêm phổi cho thấy có khoảng 15 – 40% là do virus hợp bào đường hô hấp (RSV) tiếp theo là virus cúm A, B, á cúm, metapneumovirus ở người và adenovirus. Nhiễm virus đường hô hấp ban đầu cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do vi khuẩn thứ phát hoặc đôi khi cũng gặp những trường hợp viêm phổi phối hợp giữa virus và vi khuẩn trên trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển.
Ký sinh trùng, nấm
Mặc dù rất hiếm trường hợp ký sinh trùng gây viêm phổi nhưng trong một số hoàn cảnh đặc biệt các loại ký sinh trùng và nấm như histoplasmosis toxoplasmosis và candida cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ.
Do hệ hô hấp và miễn dịch cùng sức đề kháng của trẻ em còn non yếu cộng với việc thời tiết lạnh khiến các loại vi khuẩn, virus cùng các loại ký sinh trùng và nấm dễ dàng lây lan và xâm nhập gây bệnh.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi
Bệnh viêm phổi thường có các biểu hiện rất đa dạng và phức tạp:
– Thở nhanh là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tiêu chuẩn thở nhanh theo phân loại của WHO là:
- Nhịp thở ≥ 60 lần/phút đối với trẻ < 2 tháng tuổi
- Nhịp thở ≥ 50 lần/phút đối với trẻ 2 tháng – 12 tháng tuổi
- Nhịp thở ≥ 40 lần/phút đối với trẻ 1 – 5 tuổi .
Để đếm chính xác nhịp thở của bé mẹ nên để lúc trẻ nằm yên hoặc khi ngủ.
– Ran âm nhỏ hạt (tức ở vùng phổi trẻ phát ra âm thanh nhỏ khi trẻ thở, đồng thời có chứa dịch lỏng trong phế nang) cũng là dấu hiệu thường được dùng trong chẩn đoán viêm phổi.
Trẻ bị viêm phổi có triệu chứng lâm sàng là khó thở, thở nhanh, rú lõm lồng ngực, ran âm nhỏ hạt, sốt,…
– Trẻ bị sốt cao cũng là một triệu chứng thường gặp ở trẻ bị viêm phổi.
– Trẻ bị khò khè có khả năng lớn bị viêm phổi do mycoplasma và thường hay nhầm lẫn với hen suyễn.
– Trẻ bị rút lõm lồng ngực là dấu hiệu cho thấy bé đã bị viêm phổi nặng. Để nhận biết được dấu hiệu này, mẹ cần nhìn vào phần dưới lồng ngực lõm khi trẻ hít vào. Nếu chỉ phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là rút lõm lồng ngực.
– Bên cạnh đó, một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi như ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, quấy khóc, khó thở, thở nhanh, tiêu chảy, nôn,…
Cách điều trị viêm phổi ở trẻ em
Trong việc điều trị viêm phổi ở trẻ em, mẹ cần chú ý 3 nguyên tắc là chống nhiễm khuẩn, chống suy hô hấp và cần chăm sóc tốt.
Đối với trẻ bị viêm phổi dạng nhẹ
Bệnh có thể được điều trị tại nhà và bố mẹ cần chú ý cho trẻ uống kháng sinh thích hợp đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Khi được thầy thuốc chỉ định, các bậc cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc cần cho trẻ uống, liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống thuốc.
Trẻ cần được tái khám lại sau 2 ngày để đánh giá xem thuốc kháng sinh này có hiệu quả tốt hay không. Nếu tốt thì bé cũng cần phải tiếp tục cho uống kháng sinh đủ thời gian là 5 ngày. Còn nếu tình hình không khả quan hơn và có biểu hiện thở khó khăn, không uống được nước,… thì cần nhập viện bởi tình trạng đã chuyển biến nặng.
Khi trẻ bị viêm phổi nặng
Lúc này, bé cần được nhập viện để được các bác sĩ theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp xấu nhất. Khi đó, bác sĩ sẽ tìm hiểu thật chính xác nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ và dùng kháng sinh dựa theo kháng sinh đồ.
Còn nếu không có kháng sinh đồ thì tùy thuộc vào lứa tuổi, diễn tiến của bệnh mà các bác sĩ sẽ sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, làm thông thoáng đường thở bằng cách hút đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo. Cho thở oxy khi trẻ có biểu hiện suy hô hấp. Nếu tím tái nặng, ngừng thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ. Khi trẻ bị sốt cao kéo dài, có biểu hiện mất nước thì sẽ truyền dịch.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi
– Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ, các bà mẹ cần cung cấp cho con một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không cần kiêng cữ. Thức ăn cho bé cần chế biến mềm, lỏng và dễ tiêu hóa.
– Đảm bảo môi trường sống của trẻ được thoáng mát nhưng ấm áp và vệ sinh sạch sẽ. Tạo điều kiện cho trẻ được nghỉ ngơi nhiều để nâng cao sức khỏe và khả năng phục hồi, giảm tiêu hao năng lượng, bảo vệ hoạt động của tim phổi và tránh bội nhiễm.
– Nên đưa trẻ đi khám đúng lịch hẹn để biết rằng thuốc kháng sinh có tác dụng cho trẻ hay không để sớm có cách điều trị tốt hơn cho trẻ.
Thường xuyên tập cho trẻ giữ gìn vệ sinh răng miệng và vệ sinh thân thể để tránh nhiễm khuẩn
Cách phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em
Đa phần tình trạng của các bé trở nặng là do bố mẹ chủ quan và nhận thức sai lầm bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh. Do đó, để hạn chế nguy cơ thấp nhất trẻ bị mắc viêm phổi, các bậc phụ huynh cần lưu ý một vấn đề sau:
– Nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 tuổi để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.
– Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đủ 4 nhóm thực phẩm là ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả.
– Nơi ở của trẻ phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, không khí lưu thông tốt, ấm áp về mùa đông.
– Nếu trong phòng có điều hòa thì không nên để chế độ lạnh dưới 25 độ, để trẻ nằm hoặc chơi ở nơi thoáng mát, cũng không nên để trẻ ra quá nhiều mồ hôi, nếu không kịp lau khô, trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh.
– Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, súc miệng cho bé hàng ngày. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ.
– Bố mẹ cần theo dõi lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt là hoàn thành tiêm chủng trong năm đầu.
– Nếu trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi, cần cách ly để không lây nhiễm sang trẻ.
– Nếu trẻ có những biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp như cảm lạnh, viêm mũi, họng thì cần được phát hiện và xử lý sớm, chăm sóc tốt để ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng thành viêm phổi.
– Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần lập sổ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và lưu giữ sổ sau mỗi lần khám nhằm giúp nhân viên y tế nắm được diễn biến sức khỏe, bệnh tật của trẻ mà có hướng điều trị, phòng bệnh tốt nhất.
Conlatatca.vn