Trong thời kỳ mang thai, nhiều chị em phải đối mặt với hiện tượng chóng mặt. Hãy cùng Phununews tìm hiểu các biện pháp để hạn chế tình trạng này.
Chóng mặt chủ yếu do sự gia tăng hoóc môn khiến các mạch máu co giãn làm tăng lưu lượng máu đến thai nhi. Kết quả là, huyết áp thấp hơn so với bình thường và lượng máu lên não giảm, khiến mẹ bầu có cảm giác chóng mặt.
Ở quý đầu, khi mới mang thai, cảm giác mệt mỏi cũng làm bạn dễ chóng mặt. Sang quý thứ hai, cảm giác chóng mặt thường xuất hiện như hệ quả từ sự lớn lên của tử cung làm tăng áp lực lên các mạch máu. Đến quý thứ ba, bạn có thể bị chóng mặt khi nằm ngửa do trọng lượng của thai nhi làm tăng áp lực vào tĩnh mạch.
Bạn khó có thể ngăn ngừa hoàn toàn việc chóng mặt khi mang thai nhưng có nhiều cách để bạn giảm hiện tượng mệt mỏi này, ví dụ như:
Chú ý tư thế:
Để hạn chế chóng mặt khi mang thai, khi ngủ bạn hãy nằm nghiêng thay vì nằm ngửa. Nằm nghiêng sang bên nào cũng tốt hơn nằm ngửa, mặc dù nghiêng sang bên phải là tốt nhất. Đặt một chiếc gối phía sau hoặc dưới hông có thể giúp bạn giữ được tư thế nằm nghiêng thoải mái, hoặc ít nhất cũng đủ nghiêng để giữ cho tử cung không chèn vào tĩnh mạch chủ.
Uống nhiều nước:
Đảm bảo cho cơ thể đủ nước bằng việc uống 8-10 ly nước mỗi ngày – uống nhiều hơn nếu bạn tập thể dục hoặc thời tiết nóng, điều này giảm chóng mặt cho các mẹ.
Tránh đứng lâu tại một điểm:
Nếu bạn phải đứng trong một thời gian dài, cố gắng di chuyển tại chỗ hoặc vận động chân thường xuyên nhằm tăng lưu lượng máu lưu thông.
Ăn uống đủ chất:
Nếu ăn uống đủ chất sẽ giúp thai phụ tránh khỏi tình trạng giảm lượng đường trong máu. Việc hạ thấp đường huyết sẽ khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Trong thời gian mang thai, điều này lại càng dễ xảy ra hơn.
Hạn chế thiếu máu:
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất sẽ giúp mẹ bầu giảm nguy cơ bị thiếu máu. Khi thiếu máu, lượng oxy tới não và các cơ quan khác giảm, có thể làm cho bạn có cảm giác chóng mặt, choáng váng. Ngoài ra, thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp nhất khi thiếu máu.