Trắc nghiệm: Đo trí thông minh của trẻ sơ sinh
Thử trí thông minh của bé, đừng quên câu đố dân gian!
Bằng những nguyên liệu dễ kiếm ngay trong căn nhà của bạn, cha mẹ có thể cùng con yêu làm những thí nghiệm khoa học thật vui, giúp con “học mà chơi, chơi mà học”. Qua những hoạt động bổ ích này, tình yêu khoa học, say mê học hỏi, khả năng tư duy, trí thông minh của bé sẽ được vun đắp, bồi dưỡng.
Mời bố mẹ cùng tìm hiểu để “chơi” với con ngay trong cuối tuần này:
1. “Mực vô hình” từ nước chanh
Bé đưa cho một người bạn tờ giấy trắng tinh, nói rằng tờ giấy này chứa mật thư viết bằng “mực vô hình” và đố bạn giải được mật thư trong đó. Bạn vò đầu bứt tai không thể đoán nổi tờ giấy trắng tinh kia chứa thông điệp gì. Lúc này, bé sẽ trổ tài khiến mật thư “hiện hình”.
Nguyên liệu: Nửa quả chanh, nước, thìa, bát, tăm bông ngoáy tai (nếu không có thì lấy bông băng quấn vào đầu que tăm cũng được), giấy trắng, bóng đèn điện.
Thực hiện:
Vắt chanh vào bát, cho thêm vào đó vài giọt nước, dùng thìa khuấy đều.
Nhúng bông ngoáy tai vào hỗn hợp nước chanh và viết một mẩu tin nhắn lên tờ giấy trắng.
Đợi nước chanh khô, lúc này mẩu tin nhắn sẽ hoàn toàn vô hình.
Khi bé muốn trổ tài để “mật thư” hiện ra, hãy hơ tờ giấy trên sức nóng của bóng đèn điện, những dòng chữ bé đã viết sẽ hiện ra dưới dạng màu nâu. (Ảnh minh họa)
Khi bé muốn trổ tài để “mật thư” hiện ra, hãy hơ tờ giấy trên sức nóng của bóng đèn điện, những dòng chữ bé đã viết sẽ hiện ra dưới dạng màu nâu. Đảm bảo bạn của bé sẽ tròn mắt vì than phục phải không nào?
2. Phân biệt trứng chín và trứng sống không cần đập vỡ
Trò này bé có thể dùng để đố ai đó đoán xem trong 2 quả trứng nhìn bên ngoài giống nhau, quả nào là trứng chín, quả nào là trứng sống. (Ảnh minh họa)
Nguyên liệu: 2 quả trứng, một quả chín và một quả sống. Nhớ là phải để quả trứng chín cũng nguội như quả trứng sống (nếu không thì quá dễ phân biệt rồi phải không các bé?)
Thực hiện:
Cách 1: Xoay 2 quả trứng và quan sát. Một quả sẽ quay tít và một quả sẽ chỉ lắc lư mà thôi. Quả trứng quay nhanh là trứng chín, quả trứng quay chậm hoặc khó quay là trứng sống.
Cách 2: Xoay 2 quả trứng. Trong lúc chúng đang quay, dùng ngón tay chạm nhẹ vào mỗi quả trứng cho chúng đứng lại. Sau đó nhấc ngón tay rồi thả ra ngay lập tức. Nếu trứng tiếp tục xoay chậm thì là trứng chưa chín, còn trứng dừng lại là trứng đã chín.
3. Đàn tự chế từ nước
Nguyên liệu: 7 chiếc cốc hoặc chai thủy tinh (có thể nhiều hơn, càng nhiều càng tốt), nước, que gỗ dài (chẳng hạn như đũa, bút chì,…)
Thực hiện:
Xếp những chiếc cốc cạnh nhau thành một hàng và rót nước vào mỗi cốc với một lượng nước khác nhau. Lượng nước nên tăng dần, từ cốc đầu tiên ít nước nhất đến cốc cuối cùng nhiều nước nhất.
Dùng que gỗ gõ vào từng cốc. Bé sẽ thấy cốc càng ít nước thì âm thanh càng cao, cốc càng nhiều nước thì âm thanh càng trầm. Vừa gõ vừa điều chỉnh thêm bớt lượng nước ở các cốc, bé sẽ có một chiếc đàn tự chế với đủ các nốt từ thấp đến cao đấy.
Bé có thể dùng các loại chai, cốc, ly,… thủy tinh đều được. (Ảnh minh họa)
4. Chọc que vào bóng bay mà không vỡ bóng
Nguyên liệu: bóng bay chưa thổi, que nhọn, dầu ăn hoặc mỡ
Thực hiện:
Trước khi thổi bóng bay, hãy kéo dãn quả bóng để thổi dễ dàng hơn. Chú ý không thổi căng hết cỡ, thí nghiệm sẽ có khả năng thành công cao hơn.
Buộc bóng lại nhưng chú ý buộc sát ở đầu lỗ thổi bóng. Khu vực thẫm màu ngay ở gần lỗ thổi dày hơn và không bị căng như những chỗ khác.
Đừng tưởng cứ chọc que nhọn vào bóng bay là nó sẽ nổ tung. Trong một số trường hợp điều này lại không xảy ra. (Ảnh minh họa)
Nhúng que nhọn vào dầu ăn hoặc bôi mỡ lên đó.
Đâm que qua chỗ thẫm màu gần lỗ thổi trước. Sau đó xuyên qua chỗ thẫm màu ở phần dưới cùng của quả bóng bay. Chú ý, bé cần đâm thật nhanh, quả bóng sẽ không bị nổ.
Ở những vùng thẫm màu không bị kéo căng, các liên kết trong quả bóng (mà mắt thường không thể nhìn thấy) khá bền vững, bé có thể đâm que qua mà không làm đứt những liên kết đó. Nếu đâm ở mặt bên, quả bóng sẽ nổ.
Trò này đòi hỏi sự khéo léo và thành thục, thế nên nếu bé chưa thành công ở ngay lần đầu tiên thì cũng đừng vội nản. Chắc chắn sau nhiều lần luyện tập bé sẽ làm được.
5. Hoa đổi màu
Với thí nghiệm này, bé sẽ trổ tài “ảo thuật gia” biến hoa đang từ màu trắng thành màu khác.
Nguyên liệu: hoa màu trắng ( chẳng hạn như hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa cúc,…) hoặc cây cần tây, lá cải thảo, lọ nước cắm hoa, phẩm màu
Thực hiện: đổ phẩm màu vào lọ nước đang cắm hoa trắng trong đó. Một ngày sau, phẩm màu sẽ len lỏi qua các “mạch” trong lá cây, cuống hoa, cánh hoa và biến màu hoa từ trắng sang màu của phẩm màu.
Lá cải thảo hoặc hoa màu trắng đều có thể sử dụng cho thí nghiệm này. (Ảnh minh họa)
Bé có thể dùng nhiều loại phẩm màu khác nhau để “nhuộm” cho mỗi bông một màu khác nhau. Chỉ sau một ngày là sẽ có bó hoa rực rỡ nhiều màu sắc, quá tuyệt vời phải không?
Thân cây cần tây cũng là một ý tưởng tuyệt vời để nhuộm màu. (Ảnh minh họa)