Cháu lớn nhà em học kém quá, nên ai cũng đổ lỗi tại em. Em lo nghĩ đến đau đầu suốt.
Con em năm nay đang học lớp 1 rồi. Ở nhà, cháu là đứa rất hoạt bát, nhanh nhẹn trong mọi việc. Lúc chưa đi học ai cũng nói là con bé thông minh nữa cơ. Thế mà… Đi học được mấy tuần đầu, thấy con về hay ríu rít khoe là hôm nay học bài gì, rồi con được cô giáo khen ra sao… Em cũng yên tâm vì chuyện học hành của con có vẻ khá ổn. Vì nhà bán hàng rất bận nên em không có nhiều thời gian kiểm tra bài vở của con. Chỉ đến giờ là em nhắc cháu học bài rồi đi ngủ. Vả lại em nghĩ chương trình lớp 1 thì chắc chưa có gì “to tát” lắm nên cứ để con tự giác thôi. Nào ngờ, hôm họp phụ huynh giữa kì 1, cô giáo nói cháu tiếp thu rất chậm, học hành chểnh mảng; bài vở về nhà thì làm rất đầy đủ nhưng chẳng được mấy câu đúng cả. Em thực sự rất sốc và tự trách mình là quá chủ quan nên không quan tâm đến con.
Về nhà, em chỉ nhỏ nhẹ hỏi con là học có khó lắm không, con có gì không hiểu để mẹ dạy,… thì con bé tỉnh bơ lắc đầu. Em liền bảo cháu mang sách vở xuống kiểm tra thì ôi thôi… Trang nào trang ấy mực dính bê bết, những phép tính rất đơn giản con cũng làm sai hết. Từ hôm đó, em phải cố gắng thu vén công việc để dành thời gian kèm cặp cho con nhiều hơn.
Cháu lớn nhà em học kém quá (Ảnh minh họa).
Nhưng đúng là cháu tiếp thu chậm lắm các mẹ ạ. Trong khi các bé khác có thể đọc truyện vanh vách hay cộng trừ các phép tính đơn giản rất nhanh, thì con em vẫn loay hoay với các phép tính trong phạm vi 10 một cách khổ sở; và chữ thì cứ phải đánh vần mãi mới đọc nổi. Ai đời, học gần hết kì 1 rồi mà mẹ hỏi: “Mẹ cho con 8 cái kẹo, nếu con muốn có 10 cái thì phải xin thêm bao nhiêu cái nữa?” Con cũng không trả lời được, cứ ngồi thừ ra nghĩ. Em cố gắng gợi ý cho con bằng những hình ảnh gần gũi nhất để con dễ tư duy nhưng chả có tác dụng gì. Nhiều khi em bực bội phát điên nhưng phải cố bình tĩnh để không quát con.
Tuần trước, cô giáo của con lại gọi điện nhắc nhở bố mẹ ở nhà kèm cặp thêm. Em có nói với chồng về tình hình con như thế, nào ngờ anh buông đúng một câu: “Ở nhà có mỗi việc kèm con học mà em không làm được hay sao, anh còn bao nhiêu thứ phải lo chưa đủ à?” Nghĩ mà buồn, chồng cứ coi như mình em đẻ ra con vậy.
Hồi đầu năm, em có bàn với mẹ chồng và chồng là “chạy” cho cháu vào lớp chọn, vì lúc đi nhập học cho con em nghe các mẹ khác nói phải vào lớp đó thì con được học hành bài bản hơn. Là mẹ thì ai chả muốn con mình có điều kiện học tốt nhất, mà nhà em cũng thuộc hàng khá giả chứ chẳng khó khăn gì cho cam. Bỏ ra vài triệu (em sống ở quê ạ) mà con được dạy dỗ tốt hơn thì chẳng phải nên làm sao. Thế mà mẹ chồng em gạt phắt đi (vợ chồng em vẫn ở chung nên mẹ chồng gần như quyết định mọi việc trong nhà). Bà bảo: “Nó mà thông minh thì học lớp nào cũng giỏi, nhồi nhét vào lớp chọn làm gì cho phí tiền!” Chồng em cũng ậm ừ cho qua vì thực ra anh chả bao giờ quan tâm đến con cái cả. Em cũng không dám ý kiến gì nữa, thôi thì học lớp thường cũng được. Em cũng không áp đặt chuyện thành tích cho con cái quá nhiều. Thế nhưng, lần thứ 3 cô giáo gọi điện về thì mẹ chồng em nghe máy. Bà đứng giữa nhà mà “nguýt” thật dài: “Đấy, chị xem con chị nó giỏi giang chưa? Học lớp thường mà người ta còn gọi đến nhà kêu ca đây này, còn bày đặt vào lớp chọn!” Em không nói được gì mà nước mắt cứ chảy ra. Lần ấy cũng chỉ vì em muốn con có điều kiện học tốt hơn thôi, nhưng bà không đồng ý nên em có dám ý kiến gì đâu. Vậy mà bà cũng để bụng, giờ thì lấy cớ đó để nói em.
Rồi bà trách em là không quan tâm đến con, đã không dạy được nó mà không biết đường tìm chỗ học thêm học nếm. Sau đó, ngày nào bà cũng lôi cháu đến nhà bà bạn là giáo viên về hưu nhờ kèm cặp giúp. Chẳng biết có khả dĩ hơn không nhưng nhìn con bé ngày nào cũng khóc lóc mà em xót. Vì con bé thì thích đi học múa ở nhà văn hóa, nhưng giờ bị bà cắt hết “mấy trò vô bổ” đó và thay vào việc đến học với bà giáo già. Nhiều lần em cũng nói khéo với bà là cho cháu ở nhà em kèm, để bà đỡ phải đi lại vất vả. Nhưng bà cứ nhất nhất làm theo ý mình. Có lần bà còn “mỉa”: “Chị mà cũng dạy được nó cơ à?” làm em phải cay đắng vì tủi thân. Đúng là em ít học, còn chưa tốt nghiệp cấp 3 đã phải bỏ dở đi làm rồi lấy chồng. Hồi đó nhà em nghèo lắm, nếu không… Cũng vì em học hành không đến nơi đến chốn nên bị nhà chồng khinh ra mặt. Mặc dù chồng em cũng chỉ học hết phổ thông rồi ở nhà làm kinh doanh với gia đình vì trượt đại học. Tính ra cũng chẳng hơn em được bao nhiêu.
Vậy mà giờ chuyện con cái học hay học dở cứ đổ hết lên đầu em. Dạo này bà cũng chán không đưa cháu đi học thêm nữa vì không có kết quả. Nhưng ức nhất là bà “phán” một câu xanh rờn: “Nó có gen dốt rồi, mẹ như thế thì con làm sao mà giỏi giang được!” Đấy, bao nhiêu tội lỗi là do em hết, chẳng biết nếu con em mà nó giỏi giang thì bà có đổ cho mẹ nó không nữa.
Thôi thì em cứ cố ngậm bồ hòn làm ngọt cho êm cửa êm nhà, dù nhiều lúc ức chế cũng muốn cãi nhau một trận lắm! May mà em kiềm chế được chứ ầm ĩ lên cũng chẳng hay ho gì. Giờ em chỉ khổ sở là làm cách nào để kèm con học cho hiệu quả đây. Thú thực là em không được học nhiều nên cũng không tự tin về khoản dạy dỗ con lắm! Các mẹ học cao nên có phương pháp nào hay chỉ cho em với. Nhìn con học hành thế này em cũng sốt hết cả ruột. Lại thêm mẹ chồng cứ lải nhải suốt về chuyện này nữa nên em sắp điên mất thôi.
Theo thư tâm sự của độc giả