Đau dạ dày cấp là triệu chứng bệnh thường gặp, gây khó chịu và đau đớn làm ảnh hưởng tới công việc cũng như đời sống. Nhận biết sớm triệu chứng của cơn đau dạ dày cấp và xử lý kịp thời giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng.
1. Triệu chứng của cơn đau dạ dày cấp
Nhận biết đau dạ dày cấp qua các triệu chứng điển hình
Cơn đau dạ dày cấp có thể dễ dàng nhận biết thông qua các triệu chứng, biểu hiện sau:
Đau bụng vùng thượng vị
Đau bụng dữ dội vùng thượng vị là biểu hiện đầu tiên của cơn đau dạ dày cấp, kèm theo nóng rát, cồn cào. Đau thượng vị thường xuất hiện sau khi ăn do khi niêm mạc dạ dày đang bị viêm sung huyết, thức ăn vào sẽ tác động đến niêm mạc gây đau dữ dội.
Một số người bệnh bị đau dạ dày cấp vùng thượng vị sau khi ăn khoảng 2 – 3 tiếng hoặc ăn khi đang đói, có khi cơn đau hành hạ lúc nửa đêm, gần sáng gây mất ngủ, mệt mỏi.
Một số trường hợp bệnh nhân không đau dữ dội mà bị đau âm ỉ, cảm giác rát bỏng, thỉnh thoảng đau quặn từng cơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy tức ngực, đau lan ra sau lưng…
Buồn nôn và nôn
Người bệnh có thể buồn nôn và nôn nhiều, nôn ngay sau khi ăn xong, nôn hết thức ăn.
Nếu đã nôn hết thức ăn, cơn đau bụng sẽ giảm, nhưng một lúc sau cơn đau lại xuất hiện trở lại. Nếu nôn quá nhiều mà không can thiệp sẽ làm cho người bệnh mất nước và chất điện giải, hốc hác, nhợt nhạt, mệt mỏi và gây sút.
Ngoài ra, nôn có thể kèm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: Ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, trướng bụng, sôi bụng, đi lỏng, sinh hơi nhiều (trung tiện nhiều) và chán ăn.
Nôn
Buồn nôn sau khi ăn có thể là triệu chứng của đau dạ dày cấp
Nhận biết đau dạ dày cấp qua Chẩn đoán lâm sàng
Để chẩn đoán đau dạ dày cấp, ngoài các triệu chứng lâm sàng trên, các thông tin như: trước khi đau bụng cấp tính người bệnh ăn, uống gì, tiền sử người bệnh và gia đình có ai bị bệnh dạ dày không…
Khi đã cấp cứu qua khỏi cơn đau cấp tính, có thể tiến hành chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang nếu không bị thủng dạ dày hoặc nội soi dạ dày nếu người bệnh chưa ăn uống gì.
Trong chẩn đoán nguyên nhân gây đau dạ dày cấp, nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu bởi cho biết rõ vị trí viêm, có thể kết hợp lấy mảnh sinh thiết để xét nghiệm. Trong đó xét nghiệm vi khuẩn HP là hết sức cần thiết, có thể thực hiện bằng kỹ thuật nhuộm Gram và làm phản ứng sinh học phân tử PCR.
Nếu thấy cần thiết, người bệnh sau khi dứt cơn đau có thể chụp X-quang ổ bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác gây triệu chứng tương tự.
2. Cách xử lý khi bị đau dạ dày cấp
Khi xuất hiện cơn đau thượng vị và các triệu chứng miêu tả trên của đau dạ dày cấp, người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt để phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời. Trước hết cần điều trị triệu chứng, nhất là giảm đau, chống xuất tiết dịch vị, chống viêm và chống nôn bởi dịch vị càng xuất tiết nhiều lại càng kích thích niêm mạc dạ dày, càng gây đau gây nôn nhiều hơn.
Nếu đau dạ dày cấp do ngộ độc thực phẩm thì cần rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Nếu ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thì cần dùng kháng sinh theo phác đồ phù hợp, nếu xét nghiệm mảnh sinh thiết dạ dày thấy viêm dạ dày do vi khuẩn HP cần dùng kháng sinh đủ liều lượng.
Khám bệnh
Ngày nay, có nhiều phác đồ điều trị giúp tiêu diệt vi khuẩn HP, tốt nhất hãy điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, người bệnh cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách xây dựng chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, dùng thêm đa sinh tố, nhất là vitamin B12.
Làm gì để phòng ngừa đau dạ dày cấp?
Đau dạ dày cấp có thể do viêm loét dạ dày (vi khuẩn HP hoặc không do vi khuẩn HP), do sử dụng các thuốc trị bệnh (thuốc kháng sinh, Aspirin, thuốc giảm đau kháng viêm…) hoặc do dị vật, ăn uống không hợp vệ sinh…
Như vậy, để phòng ngừa đau dạ dày cấp thì việc tránh xa các tác nhân gây bệnh là rất quan trọng. Mỗi người nên:
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh
Nên ăn đúng bữa, ăn chậm nhai kỹ, ăn thức ăn dễ tiêu hóa, không quá chua, cay, hạn chế rượu bia và các thức uống kích thích.
Ngủ nghỉ đủ giấc
Không nên thức quá khuya sau 23 giờ, dậy quá sớm, đảm bảo thời gian ngủ mỗi ngày là 7 – 8 tiếng.
Giảm Stress
Cân bằng cuộc sống và công việc, tránh stress không cần thiết.
Phòng ngừa và điều trị vi khuẩn HP nếu đã nhiễm
Nếu gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP, cần lưu ý vệ sinh bát đũa, sát trùng dụng cụ ăn uống bằng nước sôi để tránh lây nhiễm. Nếu người bệnh đã được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP cần điều trị tích cực theo liệu trình, tránh bệnh nặng và biến chứng.
Hạn chế thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau
Chỉ dùng các loại thuốc điều trị này khi có sự cho phép của bác sỹ điều trị, sử dụng với liệu lượng thích hợp, ưu tiên chọn loại thuốc ít ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
Khi gặp những triệu chứng của cơn đau dạ dày cấp, người bệnh nên sớm tới cơ sở y tế để chẩn đoán tìm chính xác nguyên nhân và điều trị. Nếu để kéo dài, đau dạ dày cấp có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính, chảy máu, thủng dạ dày…