Sau khi đề xuất bỏ việc luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh của TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) được công bố, nhiều phụ huynh bàn tán xôn xao. Rất nhiều người đồng tình song cũng không ít người phản đối, cho rằng đó là đề xuất ‘vớ vẩn’.
Trước rất nhiều tranh luận trái chiều, chúng tôi đã tìm gặp TS Thu Hương để cùng trao đổi xung quanh vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận này.
Khi đưa ra đề xuất này, quan điểm của TS Thu Hương không phải nói là không học hai môn này, bởi kỹ năng tính toán và viết chữ vẫn cần thiết. Tuy nhiên, không phải vì thế mà gây áp lực, không nên đòi hỏi trẻ phải tính nhanh quá hoặc viết phải đẹp quá.
“Cần tôn trọng sở thích của trẻ, những em nào thích viết chữ đẹp, học thư pháp hay tính nhanh có thể cho trẻ đi học ở các lớp năng khiếu chứ không phải thấy con người này, người kia đi học cũng ép con phải đi học theo”, TS Hương chỉ rõ.
Theo TS. Hương, thời gian để trẻ luyện chữ đẹp nên được giảm bớt (Ảnh minh họa).
Là người được đi khá nhiều nước, có cơ hội tham khảo nhiều chương trình giáo dục, TS Vũ Thu Hương cho rằng, trẻ em Việt Nam đang thiếu một số kiến thức về kỹ năng sống.
“Hàng năm có nhiều vụ đuối nước, hỏa hoạn xảy ra nhưng trẻ lại thiếu kiến thức, điều đó sẽ tránh được nếu các em được đào tạo một cách đầy đủ. Những kiến thức cần trang bị cho trẻ đó là thoát hiểm, làm gì khi gặp hỏa hoạn, đuối nước, xâm hại hay đơn giản là cách ứng xử với người lạ…”, TS Hương chỉ rõ.
Thậm chí, theo TS Thu Hương, trong nhiều trường học, bộ môn thể dục mới chỉ dừng lại ở tập thể dục. Trong khi thực tế có rất nhiều môn thể thao khác nhau cần giới thiệu cho trẻ như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… dẫn đến trẻ không biết luật các môn, ít rèn luyện. Thực tế, cũng có một số trường đưa vào chương trình 1-2 môn nhưng không phải là nhiều.
Ngoài ra, nhiều em học kiến thức tự nhiên – xã hội hời hợt. Kiến thức về opera, cải lương, chèo, tuồng…chưa được học chính thức mà chỉ mới dừng lại ở xem trên tivi. Hay như các em không biết những bản nhạc nổi tiếng, tác phẩm nghệ thuật được nhiều người biết đến… vì sao lại vô giá.
TS Vũ Thu Hương tâm sự: “Nhận thấy trẻ đang thiếu những kiến thức này, tôi cũng đề xuất đưa vào chương trình học nhưng thời lượng đều kín thì không biết cho vào đâu. Lúc đó, tôi mới bắt đầu nghĩ xem cái gì là không quá cần thiết.”
TS Hương chỉ rõ, tập viết rất cần với trẻ nhưng khi luyện viết chỉ cần rõ ràng, viết rành mạch, không bẩn, trình bày khoa học là quan trọng nhất. Còn tập viết đến mức nét thanh, nét đậm, viết đúng từng ly nhỏ hay chữ như rồng bay, phượng múa là không cần thiết.
“Điều đáng nói ở chỗ là một số học sinh chỉ tập trung học viết chữ đẹp nhưng vấn đề là có nhiều trẻ viết sai chính tả. Thậm chí, có nhiều người lớn vẫn bị nhầm tr với ch, hay s với x…Theo tôi, trước hết cần viết đúng, sau đó mới là viết đẹp. Viết đẹp có thể chuyển thành một môn trong các câu lạc bộ, chứ không nên ép trẻ”, TS Hương nhận định.
TS Vũ Thu Hương. |
Về tính nhẩm nhanh, TS Vũ Thu Hương đánh giá, một số phụ huynh cảm thấy con học ở trường chưa đủ nên đưa con đi học thêm, điều này là không cần thiết. Chương trình học về tính nhẩm ở trường không quá nặng, trẻ chỉ cần nhớ một số cách tính nhanh, nắm vững các nguyên tắc.
“Có một người bạn của tôi khoe đã dạy con nhẩm chia 5 chữ số cho 3 chữ số. Đó là điều không cần thiết. Trẻ chỉ cần học ở một mức nhất định, nắm vững các nguyên tắc chính, sau đó lên các lớp trên sẽ được trau dồi lại”, TS Hương kể.
Cũng đồng ý quan điểm cách rèn chữ đẹp hay tính nhanh là phương pháp để dạy trẻ sự kiên trì, sáng tạo nhưng còn nhiều cách để dạy điều này.
Tuy nhiên, TS Thu Hương cho rằng: “Dạy trẻ cách sắp xếp gọn gàng đồ dùng cũng giúp trẻ có được tác phong nghiêm chỉnh, cẩn thận. Hay việc rèn tư duy không nhất thiết cứ phải là tính nhẩm nhanh. Tuy nhiên, rèn tính cách cho trẻ cũng chỉ trong phạm vi chịu đựng mà thôi, còn nếu đến mức trẻ không chịu đựng được, với áp lực quá lớn thì trẻ chỉ có phá phách mà thôi”.
Ngoài việc luyện viết ở trường, có phụ huynh còn ép con phải viết thêm 2 trang khi về nhà. TS Thu Hương đặt ra câu hỏi: thời gian đâu để các bé nghỉ ngơi, sau một ngày đi học?.
“Phụ huynh đi làm ở cơ quan 8 tiếng/ngày còn muốn nghỉ ngơi nữa là trẻ con. Những điều đó tốn thời gian, khiến trẻ mệt mỏi, ức chế thần kinh. Mặt khác, việc viết chữ đẹp là lúc đọc chậm, khi trẻ lên cấp 2 phải đòi hỏi tốc ký hơn thì nhiều em lại không giữ được nữa thậm chí phá chữ. Vì vậy, quan trọng vẫn cách trình bày, cách tốc ký, lựa chọn những từ quan trọng để làm sao sau khi viết vẫn đọc được”, TS Thu Hương đánh giá.
Cách dạy của phương Tây rất đơn giản
Cụ thể như ở Hungary, TS Thu Hương kể, trẻ con khi chuẩn bị vào lớp 1 phải trải qua một kỳ kiểm tra. Việc để đạt tiêu chuẩn đó không phải chỉ số EQ hay IQ mà là các chỉ số chiều cao, cân nặng, sức khỏe ra sao, có vấn đề gì về tâm lý hay không…nếu có vấn đề sẽ phải chữa trị rồi mới đi học.
“Không phải trẻ học 5 tiết toán/tuần mà là 5 tiết thể dục/tuần. Mỗi tuần có 2 dòng tập viết với ly to, cô giao không yêu cầu nét thanh, nét đậm hay mắng về chuyện viết xấu, bởi đó là tính cách của trẻ. Với môn toán, không phải làm bài hay ngồi viết các con số. Cô giáo sẽ lấy ra 1 bọc gồm các hạt đỗ, rồi bốc 5 hạt đỗ sau đó lấy thêm 2 hạt nữa tức là mấy hạt. Điều này giúp trẻ hiểu phép cộng rất nhanh”, cô Hương nói.
Hay như ở Anh, từ lớp 1, trẻ chưa học Toán hay Tiếng Anh mà học về địa lý, lịch sử, học về các Tôn giáo, học giao tiếp cộng đồng như đón một người bạn mới, xử lý những tình huống trong cuộc sống.
“Con tôi cũng viết chữ xấu”
Cách dạy con của TS Vũ Thu Hương cũng rất khác với nhiều phụ huynh Việt Nam. “Tôi luôn rèn cho con cách tự lập, để cháu xác định được việc học là trách nhiệm của bản thân chứ không phải của bố, mẹ hay bất cứ ai. Tôi không chấp nhận việc cô giáo ra bài tập về nhà, tuy nhiên bài cuối tuần là cần thiết, vì điều đó tập cho cháu quen với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.
Trước bất cứ câu hỏi nào của con về bài vở, chị cũng trả lời là không biết. TS Hương nói: “Tôi đã là tiến sỹ, những kiến thức của con học tôi biết nhưng điều đó tập cho cháu tự suy nghĩ. Trước đây, việc luyện chữ hay học toán đều là cô giáo ở trường dạy, tôi không can thiệp vào những chuyện đó.
Tôi dạy cho cháu kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng tiêu tiền, nghe các bản nhạc nổi tiếng…Nhờ quá trình cho các cháu tìm hiểu về thế giới xung quanh nên tới lớp 5 cách viết văn không hề sáo rỗng…”.
Mỗi ngày con gái của TS Vũ Thu Hương đều tự học và chỉ trong khoảng 1 tiếng để làm bài tập về nhà. Buổi sáng đến trường, chiều ở nhà học piano, khám phá những kiến thức mới… đó hoàn toàn là sở thích của cháu.
“Cô giáo của con gái tôi cũng phàn nàn chữ cháu xấu nhưng tôi nói đó là cá tính, đến bây giờ chữ của cháu vẫn xấu như vậy”, cô Hương kể.