Mùa hè đến là khi các mẹ rục rịch cho bé tham gia các hoạt động thể thao hay sinh hoạt ngoại khóa để bù vào thời gian nghỉ hè của bé. Từ rất nhiều năm nay, bơi luôn là môn thể thao được các mẹ ưu tiên cho bé tham gia nhất bởi nó không chỉ giúp bé giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng mà còn giúp con cao lớn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu mẹ không cẩn thận trong việc chọn lựa bể bơi và sắp xếp thời gian bơi hợp lí, đi bơi cũng không hoàn toàn tốt như mẹ tưởng.
“Sốc” vì bể bơi rắc đầy hóa chất
Dù rất muốn con đi học bơi, nhưng có một số mẹ vẫn băn khoăn không biết bể bơi mình chọn có đảm bảo an toàn cho bé hay không. Lo lắng của các mẹ càng tăng khi mới đây xuất hiện vụ việc rắc hóa chất làm trong nước bể bơi xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, vào chiều ngày 20/5/2014, một cư dân sống gần bể bơi tại Trung tâm thể dục thể thao Quận Cầu Giấy đã quay được 1 đoạn clip cảnh nhân viên hồ bơi rắc một loại hóa chất không rõ nguồn gốc vào bể. Một thời gian ngắn sau đó, nước trong bể đang đục ngầu, chứa đầy rong rêu đã chuyển thành trong và xanh như được thay nước mới. Được biết, số nước này đã chứa trong bể 1 năm nay.
Hình ảnh bể bơi Cầu Giấy trước và sau khi rắc hóa chất “lạ” (ảnh sưu tầm)
Xuất hiện chưa đầy 2 ngày, nhưng đoạn clip đã làm không ít mẹ hoang mang, nhất là những mẹ đang có ý định cho bé đi bơi hè này. Đa số các mẹ đều tỏ ý lo lắng không hiểu con em mình sẽ thế nào nếu bơi trong một bể nước như vậy.
Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, các mẹ nên tìm hiểu kĩ những bể bơi mà mẹ định đăng kí cho bé học. Nếu cần thiết, chỉ nên cho bé bơi ở các bể uy tín và đảm bảo chất lượng, có thể giá thành cao một chút nhưng lại an toàn cho bé.
Nguy cơ hen suyễn từ chất clo làm sạch bể
Hầu như toàn bộ bể bơi hiện nay đều khử trùng bằng chất clo. Thế nhưng, các nhà khoa học Bỉ đã phát hiện ra rằng chất clo này sẽ phản ứng với mồ hôi và nước tiểu của người có trong nước bể bơi. Phản ứng hoá học sẽ diễn ra và tạo ra một số khí có tác động rất xấu đến phổi người. Loại khí này chính là nguyên nhân dẫn đến dị ứng đường hô hấp ở trẻ em và có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh hen. Không chỉ vậy, loại hóa chất này cũng đồng thời là nguyên nhân gây khô da, rụng tóc.
Tất nhiên nếu dựa trên một nghiên cứu mà không bé cho đi bơi thì rất thiệt thòi cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hơn cho con, các mẹ có thể yêu cầu bé không ở dưới nước quá lâu cũng như tắm rửa thật sạch ngay sau khi ra khỏi bể bơi.
Và các nguy hiểm tiềm ẩn khác khi bé đi bơi
Ngoài nỗi lo hóa chất, việc chọn bể bơi không đảm bảo cũng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho bé. Bé rất dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ, bệnh da liễu… nếu có người đang mắc bệnh bơi cùng bể.
Nguy cơ bé bị lây đau mắt khi đi bơi là rất lớn (ảnh minh họa)
Hơn nữa, mẹ nên lưu ý không để bé bơi khi trời nắng nóng. Khi ấy, nhiệt độ cơ thể bé đang cao, mồ hôi ra nhiều và gặp nước bể sẽ rất dễ bị cảm đột ngột. Thay vào đó, mẹ nên cho bé bơi vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, sẽ rất có lợi cho sức khỏe của con. Bên cạnh đó, trước khi trẻ bơi phải dội nước cho trẻ ướt hết người mới xuống bể. Đồng thời, mẹ hãy cùng bé khởi động các khớp cổ chân tay giúp cơ thể mềm dẻo, tránh việc bé bị chuột rút khi đang bơi.