Mùa tựu trường, bên cạnh niềm vui đưa con vào năm học mới, phụ huynh cũng rất lo lắng vì môi trường học đường là nơi khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh. Dưới đây là một số bệnh phổ biến cha mẹ cần lưu ý:
Bệnh nhiễm trùng đường tiểu
Đến trường, nhà vệ sinh không giống như ở nhà khiến trẻ ngại đi vệ sinh, hay nín tiểu, lại uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu, gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiểu rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Vì sao có bệnh?
Căn bệnh này khá phổ biến khi trẻ đi học và xảy ra nhiều ở bé gái hơn bé trai. Nguyên nhân là ở chỗ lạ, nhà vệ sinh không giống như ở nhà khiến trẻ ngại đi vệ sinh, hay nín tiểu, lại uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu.
Phòng ngừa thế nào?
Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, chán ăn hay không tăng cân. Nếu thấy con có biểu hiện đi tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi, tiểu ít, lắt nhắt hay són trong quần kéo dài, cần đưa bé đến bệnh viện để được khám và xử lí kịp thời.
Trước khi bé bắt đầu đến trường, cha mẹ cần huấn luyện cho con thói quen đi vệ sinh đúng lúc, tránh tình trạng nín nhịn, thói quen rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh. Với bé gái, mẹ còn cần dạy con cách dùng giấy hợp vệ sinh để lau khô vùng kín đúng cách.
Bệnh nhiễm trùng mắt
Vì sao có bệnh?
Đến hẹn lại lên, mùa tựu trường bắt đầu, các bé vào năm học mới cũng là lúc dịch đau mắt đỏ được dịp tái xuất. Môi trường học tập nơi nhà trẻ, trường học đông người khiến bé rất dễ bị lây từ các bạn. Ngoài ra, việc một số bé thường dụi mắt hoặc cho tay vào miệng cũng là một nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ.
Phòng ngừa thế nào?
Bố mẹ cần nhắc nhở con không được lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn, gối,…) với các bạn khác, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh cá nhân. Trong mùa dịch nên nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt cho con hàng ngày và dặn con hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Bệnh đường tiêu hóa
Vì sao có bệnh?
Đi học, bé sẽ tiếp xúc nhiều với phẩn, bảng , giẻ lau,…, cộng thêm một số thói quen như mút tay, cắn móng tay, bốc thức ăn, ngoáy mũi nhưng lại không rửa tay, hoặc rửa tay mà không có xà phòng sau khi làm những hành động này. Đặc biệt, khi ở trường không có sự giám sát sát sao của bố mẹ hay ông bà như ở nhà, thầy cô không thể để ý được hết tất cả các bé suốt 24/24 nên bé sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa cực kì cao, nhất là bệnh tiêu chảy.
Ngoài ra, cha mẹ rất khó kiểm soát được chuyện bé ăn uống ở trường, đặc biệt là thói quen ăn quà vặt ở vỉa hè, hàng quán ven đường. Khả năng bé bị ngộ độc thực phẩm hay rối loạn tiêu hóa do ăn đồ không đảm bảo vệ sinh cũng rất cao.
Thói quen như mút tay, cắn móng tay, bốc thức ăn, ngoáy mũi nhưng lại không rửa tay, hoặc rửa tay mà không có xà phòng khiến trẻ dễ mắc bệnh đường tiêu hóa khi đi học (Ảnh minh họa)
Phòng ngừa thế nào?
Nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như thịt cá, sữa, rau xanh, hoa quả, đậu trứng,… và uống đủ nước. Hạn chế cho bé ăn nhiều đồ ăn để lâu ngày, đồ ăn nhanh. Nên cho trẻ ăn no vào bữa sáng để tránh bé ăn quà vặt ngoài đường. Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
Bệnh đường hô hấp
Vì sao có bệnh?
Môi trường đông đúc nơi nhà trẻ, trường học cũng là điều kiện để phát tán vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp rộng rãi. Bệnh đường hô hấp có thể là viêm họng do siêu vi, viêm phế quản phổi, viêm hô hấp trên…
Các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị bệnh đường hô hấp đột ngột là sốt vài ngày, hắt xì hơi, ngạt mũi, chảy nước mắt, đau họng, ho,… Nếu không bị bội nhiểm vi khuẩn, thông thường các trường hợp trẻ bị viêm họng do siêu vi có thể tự khỏi sau 4 đến 5 ngày. Cần lưu ý là khi trẻ bị viêm đường hô hấp, người nhà luôn luôn chăm sóc và theo dõi bệnh tình của trẻ. Bởi vì, bệnh có thể diễn biến phức tạp, từ thể nhẹ có thể trở nên nặng trong một quãng thời gian ngắn.
Phòng ngừa thế nào?
Để phòng tránh bệnh, cha mẹ nên tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh, cách ly trẻ với người bệnh để tránh lây lan và nhớ tiêm chủng đầy đủ.
Bệnh tâm lý
Trước khi con đi học, cha mẹ phải có thời gian chuẩn bị tâm lí cho con để con có thể mau chóng hòa nhập với môi trường học đường. (Ảnh minh họa)
Vì sao có bệnh?
Nhiều trẻ có tính quấn mẹ, quấn bố nên lần đầu tiên đi học có biểu hiện sợ hãi, phản kháng, không chịu đến trường. Có trẻ sợ giao tiếp, sợ nơi đông người, sợ bạn bè trêu chọc nên cũng không chịu đi học. Có trẻ gặp tình trạng nghiêm trọng đế nỗi rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, thậm chí rối loạn tiểu tiện (đái dầm, nín tiểu,…)
Phòng ngừa thế nào?
Bố mẹ cần ở bên động viên, giúp đỡ con vượt qua nỗi sợ hãi, lo lắng. Trước khi con đi học phải có thời gian chuẩn bị tâm lí cho con, cho con đến thăm quan trường trước, giải thích về những điều tốt đẹp và cần thiết của việc đến trường cho con hiểu, rèn tính độc lập, tự tin và mạnh dạn giao tiếp cho con từ sớm để con có thể mau chóng hòa nhập với môi trường học đường.
Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé! |