Suýt hoại tử “vùng kín” vì dính độc kiến ba khoang
Chị Đặng Thị Hòa ở Làng Quốc tế Thăng Long kể về một “kỷ niệm” dở khóc dở cười của mình khi bị dính chất độc của kiến ba khoang.
Nhà chị ở chung cư cao tầng nên cứ tầm tháng 9 đến tháng 11 năm nào nhà cũng đầy kiến ba khoang. Dù chị đã đóng chặt cửa sổ, tắt hết đèn neon nhưng kiến vẫn vào được nhà.
Hồi đầu khi mới chuyển đến, nhìn thấy kiến ba khoang chị không biết là con gì, lại thấy kiến bò lổm ngổm cả trên giường nên gạt xuống đất lấy tay di chết.
Có lần chị gặp phải tình huống vô cùng tế nhị là sau khi giết kiến thì chị soạn quần áo ra thay. Nào ngờ chất độc của con kiến ba khoang dính vào tay lan cả sang quần áo.
Thế là thay quần áo xong chỉ một lúc sau cơ thể chị xuất hiện rất nhiều mảng bỏng rát, tấy đỏ. Ngay cả “vùng kín” cũng phồng rộp lên, mọng nước như bị bỏng.
Chị Hòa lại là người có cơ địa dị ứng nên tình trạng của chị bị nặng hơn người bình thường rất nhiều. Mặc dù đã tự mua thuốc về bôi nhưng tình trạng những vết bỏng rộp vẫn không đỡ, còn lan rộng là vùng da xung quanh.
Mặc dù đã cố gắng giữ gìn, nhưng vết thương nơi “vùng kín” của chị Hòa vẫn bị vỡ bọng nước, loét da rất đau. Khi chị đi khám ở bệnh viện, bác sĩ thấy toàn bộ phần thịt nơi bị thương trở nên thâm đen, lở loét thì vô cùng ái ngại và lo lắng.
Bác sĩ còn cẩn thận dặn sau 3 ngày mà vùng thịt đó vẫn bị lở loét, không có dấu hiệu lành thì phải tái khám để kiểm tra xem có nguy cơ hoại tử không. Rất may mà sau đó chị đã khỏi nhưng “kỉ niệm” lần ấy với loài kiến ba khoang thì chị vẫn còn ám ảnh mãi.
Kiến ba khoang – nỗi kinh hoàng của dân thành phố
Kiến ba khoang là loại kiến có kích thước lớn hơn kiến thông thường, khoảng chừng nhỏ hơn hạt thóc. Loài kiến này có cánh, bụng thon, đít nhọn, màu đen có khoang màu đỏ.
Kiến ba khoang rất ưa ánh sáng trắng nên khi các gia đình bật đèn neon buổi tối, kiến thường bay vào bám đầy trên tường, trên nền nhà, bò cả vào nơi ngủ và sinh hoạt của con người.
Sở dĩ loài kiến này đốt rất đau do trong cơ thể nó có chứa một loại chất độc có tên gọi là pederin (C24H43O9N. Chất độc này có độc tính gấp 12 – 15 lần rắn hổ và tồn tại rất lâu ngay cả khi kiến đã chết đi rồi.
Thực ra, kiến ba khoang đã có từ rất lâu chứ không phải vài năm gần đây mới xuất hiện. Ở nông thôn, kiến ba khoang sống trong các ruộng lúa, vườn cây và là loài côn trùng ăn sâu rầy có hại nên được liệt vào dạng côn trùng có lợi cho nhà nông.
Vài năm gần đây, kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều và trở thành “vấn nạn” ở thành phố một phần cũng do môi trường có sự thuận lợi cho sự phát triển của loài này.
Tình trạng con người sử dụng tràn lan hóa chất trừ sâu khiến cho sâu, rầy trở nên kháng thuốc, phát triển ồ ạt. Nguồn thức ăn của kiến ba khoang trở nên dồi dào kéo theo tình trạng kiến ba khoang sinh sôi nảy nở.
Thêm nữa, vào thời điểm tháng 9, 10, 11 là mùa sinh sản của kiến ba khoang nên chúng xuất hiện dày đặc. Những khu tập thể, nhà chung cư ở gần cánh đồng, có nhiều ánh điện là nơi “hút” kiến ba khoang.
Chất độc của kiến ba khoang khi tiếp xúc với da tạo nên bỏng da, viêm da, gây bỏng rát như bị tạt axit. Nhiều người không biết dùng tay diệt kiến xong vô tình dùng tay đó tiếp xúc với vùng da khác khiến cho những chỗ này không bị kiến đốt vẫn tổn thương.
Tổn thương do kiến ba khoang tạo ra thường có dạng ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, lở loét giống hình cái miệng nên được gọi là “thương tổn hôn nhau” (kissing lesson) là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.
Xử lý tại nhà khi bị kiến ba khoang đốt
– Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da.
Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.
– Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da.
– Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.
– Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành.
– Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.
Cách phòng ngừa kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang không phải loài côn trùng chủ động đốt người và cũng không phải loài côn trùng truyền bệnh, vì thế thực chất nó không đáng ghét như người ta vẫn thành kiến về nó.
Hơn nữa, kiến ba khoang thuộc loại côn trùng có lợi, vẫn được coi là bạn của nhà nông. Vì thế không nên tìm cách tiêu diệt kiến ba khoang mà hãy tìm cách xua đuổi chúng ra khỏi môi trường sống của mình.
Những cách phòng ngừa kiến ba khoang nên làm là:
– Đóng kín cửa để kiến không chui vào nhà được.
– Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.
– Làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ, lỗ thông khí.
– Buổi tối không nên bật đèn neon, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn.
– Nếu có thể thì bật đèn ban công để thu hút kiến ba khoang ở ngoài, không chui vào nhà nữa.
– Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp.