Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân bị ngộ độc rượu có thể tử vong. Do đó, cần biết cách sơ cứu ngộ độc rượu nhanh chóng để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Rượu uống, rượu thực phẩm và các đồ uống có cồn khác là có thành phần chính là ethanol lên men. Uống nhiều rượu thực phẩm gây ngộ độc cấp tính, nói nôm na chính là tình trạng say rượu. Tuy nhiên, nhiều người do chủ quan mà để bệnh nhân lâm vào tình trạng ngộ độc rượu nặng. Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Do đó, cần biết cách sơ cứu ngộ độc rượu kịp thời, nhanh chóng để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc rượu
Nếu thấy bệnh nhân có các dấu hiệu như ói mửa, thở chậm (ít hơn 8 hơi thở một phút), da xanh, thân nhiệt thấp, bất tỉnh thậm chí là động kinh, không cần thiết tất cả các triệu chứng có mặt trước khi tìm sự giúp đỡ. Một người bất tỉnh hoặc không thể đánh thức được có nguy cơ tử vong cao vì ngộ độc rượu.
Nếu nghi ngờ rằng ai đó đã bị ngộ độc rượu, thậm chí nếu không thấy các dấu hiệu và triệu chứng nói trên cũng nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bởi ngay cả khi một người nào đó bất tỉnh hoặc đã ngừng uống thì rượu vẫn tiếp tục được truyền vào máu và mức độ của rượu trong cơ thể tiếp tục tăng. Không bao giờ được chủ quan cho rằng rằng một người “sẽ ngủ” trong khi bị ngộ độc rượu.
Cách sơ cứu bệnh nhân bị ngộ độc rượu
Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải cho bệnh nhân ăn một lần. Nên uống nhiều nước để tránh mất nước, uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh. Có thể cho uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi… sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
Khi ngộ độc rượu không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, mật ong hoặc chích vì có hại, dễ bị nhiễm trùng. Cũng không để bệnh nhân tắm ngay vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp.
Tuy nhiên, không nên giữ bệnh nhân để tự chữa trị ở nhà nếu có các dấu hiệu như bệnh nhân nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu hoặc khi lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ uống rượu. Thấy bệnh nhân vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu hoặc các dấu hiệu khác như co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái… cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Khi đưa bệnh nhân đến viện, người nhà bệnh nhân cần cung cấp các thông tin cần thiết cho bác sỹ như loại rượu đã uống, tốt nhất cần có tên thương mại, nhãn mác, nguồn gốc, nồng độ cồn, số lượng bệnh nhân đã uống. Hay trong khi uống rượu bệnh nhân có ăn không. Tình trạng sử dụng rượu của bệnh nhân trước đây như có thường xuyên uống rượu, có nghiện rượu không. Biểu hiện của bệnh nhân sau uống rượu, có bị ngã hay chấn thương không… Từ đó, bác sỹ có căn cứ khám bệnh và điều trị hiệu quả.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: “Những người thường xuyên uống rượu không nên uống quá 20g/ngày với nam giới và 10g/ngày với nữ giới. Ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau khi uống rượu. Đồng thời, giữ ấm, tránh lạnh nếu trời lạnh, không nên tắm sau khi uống rượu vì có thể gây cảm lạnh, đột tử. Đặc biệt, người sử dụng rượu cần chọn những sản phẩm an toàn như có nhãn mác, nguồn gốc ghi địa chỉ rõ ràng và mua ở những nơi đáng tin cậy để đảm bảo sức khỏe”.