Viêm tuyến vú là bệnh hay xảy ra ở phụ nữ mang thai và cho con bú, nhất là phụ nữ sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm cho con bú và chưa biết cách vệ sinh đầu vú.
Viêm tuyến vú là bệnh hay xảy ra ở phụ nữ mang thai và cho con bú, nhất là phụ nữ sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm cho con bú và chưa biết cách vệ sinh đầu vú. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn ngoài da như liên cầu, tụ cầu xâm nhập vào mô vú qua vết xây xước hoặc do tắc tia sữa không được xử trí đúng cách.
Vì sao bị bệnh?
Nguyên nhân chủ yếu là do lần đầu tiên làm mẹ, da đầu núm vú của người phụ nữ còn non nớt, khi cho con bú không đúng cách, khiến bé cứ lôi kéo, ma sát nhiều gây tổn thương. Đặc biệt, khi núm vú của người mẹ thụt vào hoặc bằng phẳng quá, bé bú sẽ rất khó khăn, phải cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét. Khi đầu vú đã nứt, vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa, sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa dẫn đến viêm. Một nguyên nhân khác là khi bé chưa biết bú, người mẹ phải nặn sữa nhưng chưa đúng cách cũng khiến núm vú cũng bị tổn thương. Thêm nữa, vệ sinh vú kém, sữa ứ đọng, không thông cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến vú sau khi sinh.
Dấu hiệu nhận biết
Người mẹ sẽ thấy vú sưng đau, sữa ra không đều, không thông, sắc da đỏ nhẹ hoặc không đỏ, có hòn cục nhỏ, kèm theo người sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy, ngực tức, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng. Đến giai đoạn làm mủ, bầu vú người mẹ sưng to, da đỏ nóng từng đám hoặc cả vú, đau tăng, sốt cao không hạ và mưng mủ cục bộ, người bứt rứt khó chịu, miệng khát muốn uống, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
Đừng để biến chứng áp-xe vú
Áp-xe vú là ổ viêm ở sâu trong tuyến vú do vi khuẩn gây ra, thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con. Bệnh gây sưng đau, chảy mủ ra núm vú. Khi thời tiết nóng nhiều mồ hôi dễ bị viêm da do tụ cầu, liên cầu và áp-xe vú. Ngoài ra, tắc tuyến sữa nếu để lâu sẽ gây viêm tuyến vú và áp-xe. Khi đã tạo thành áp-xe tuyến vú thì cần phải chích rạch, tháo mủ. Những ổ áp-xe ở nông dưới da, xung quanh vùng quầng vú thì chích nặn mủ. Nếu ổ áp-xe thể tuyến cần gây mê hoặc gây tê tại chỗ để chích áp-xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên vùng áp-xe.
Nếu áp-xe vú mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm xơ tuyến vú mạn tính. Lúc này, các triệu chứng đã đỡ: không sốt hay chỉ sốt nhẹ. Có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, không rõ ranh giới, không dính da, ít đau. Viêm tấy tuyến vú xảy ra gây mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, mô lỏng lẻo dưới da, mô liên kết và mô tuyến vú. Ổ viêm lan rộng và thấm vào các mô. Biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng. Biến chứng nặng nhất là hoại tử vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra. Biểu hiện là hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, tụt huyết áp, toàn thân suy sụp. Vú sưng căng to, phù nề, da trên ổ áp-xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử. Hạch bạch huyết sưng đau.
Chữa trị cách nào?
Tùy tình trạng viêm tuyến vú hay áp-xe mà việc điều trị do bác sĩ thăm khám và chỉ định. Nguyên tắc chung là mọi trường hợp bị nhiễm khuẩn tuyến vú đều nên được điều trị bằng trích dẫn lưu ổ viêm và ngừng cho con bú (nếu là nhiễm khuẩn tuyến vú trên bệnh nhân đang cho con bú). Lý do là các nhiễm khuẩn trong tuyến vú rất dễ lan rộng và sâu (dọc theo hệ thống ống tuyến sữa) vào trong tổ chức mỡ lỏng lẻo của tuyến vú. Với các nhiễm khuẩn nặng, ở sâu và áp-xe tuyến vú có thể tiến hành trích dẫn lưu ổ viêm (ổ áp-xe). Cần dùng kháng sinh toàn thân đường tĩnh mạch trong những ngày đầu, sau đó có thể chuyển sang đường uống. Chú ý dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Đây là bệnh lành tính và hoàn toàn có thể phòng được. Trong thời kỳ đầu mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng thì phải vê kéo dần ra ngoài hàng ngày, nhất là từ khi mang thai 5 tháng. Bạn nên rửa sạch, sau đó bôi lên chút dầu ăn khiến lớp da đầu vú dày và vững hơn, khi sinh nở và cho con bú sẽ không bị nứt nữa. Sau khi sinh cũng vẫn có thể phòng bệnh bằng cách: Day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh. Vệ sinh vú sạch sẽ trước và sau khi cho bé bú, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10 – 15 phút là đủ. Mỗi lần cho bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu sữa quá nhiều mà trẻ lại bú ít thì phải vắt (hút) cạn lượng sữa thừa. Lần kế tiếp cho bú thì lại bú bên kia trước, hết sạch rồi mới đổi sang bên này. Thay đổi kế tiếp như vậy để tránh việc sữa không được bú hết sẽ tích tụ lại. Không để trẻ ngậm đầu vú khi ngủ. Mỗi ngày dùng khăn bông thấm nước ấm lau chùi vú 3 – 4 lần, xoa nhẹ để đề phòng vú căng to sệ xuống. Mặc áo ngực cotton rộng, thoáng. Khi thấy vú có những biểu hiện bất thường cần sớm đi khám để chữa trị kịp thời. Thông thường, khi bà mẹ bị viêm, nếu kịp thời dùng thuốc kháng sinh và trị liệu bằng thanh nhiệt giải độc thì tình trạng bệnh sẽ được khống chế rất nhanh. Tuy nhiên, nhiều sản phụ lại cố chịu đau để cho con bú khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.