Viêm loét dạ dày tá tràng ngày một gia tăng và có diễn biến phức tạp không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ chính vì thế mà các bậc cha mẹ nên lưu ý nhiều hơn để đưa ra phương pháp cũng như cách điều trị hợp lý.
Viêm loét dạ dày tá tràng được coi là căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành do căng thẳng, áp lực hay thói quen sống không lành mạnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các chuyên gia y tế, tỉ lệ trẻ em mắc phải căn bệnh này đang ngày càng tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do những thiếu sót trong việc chăm sóc con của bố mẹ. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp bé bị bệnh do yếu tố di truyền.
Việc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em nhìn chung phức tạp hơn so với người lớn. Do đó, nếu bé có những biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày bố mẹ cần đưa bé tới ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Những biểu hiện viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
Biểu hiện của trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng là bé thường đau bụng, biếng ăn,…
Phần lớn trẻ em không nhận biết và giải thích được tình trạng cơ thể của mình khi mắc bệnh cho người thân biết. Vì vậy bố mẹ cần nhìn vào biểu hiện, phản ứng của con để xác định tình trạng bệnh. Khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng thường có một số biểu hiện bên ngoài dễ nhận biết như sau:
- Trẻ bỗng dưng biếng ăn
- Bé ăn không ngon miệng ngay cả với món yêu thích
- Thường xuyên kêu đau bụng
- Bé bị buồn nôn và nôn
- Với một số bé bị nặng có thể dẫn tới còi xương, chậm lên cân, da xanh xao và hệ miễn dịch kém dẫn tới thường xuyên bị ốm vặt.
Cách giảm cơn đau cho trẻ
Một trong những cách giảm những cơn đau dạ dày hãy cho trẻ uống nhiều nước
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ thường chưa phát triển toàn diện nên rất dễ bị thương tổn. Do vậy cha mẹ tuyệt đối không được tự ý cho bé uống thuốc giảm đau mà không qua hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bé bị đau dạ dày quá thì có thể tham khảo một số cách giảm đau hiệu quả sau:
Chườm ấm bụng: đây là cách giảm đau viêm loét dạ dày tá tràng nhanh chóng mà an toàn. Bạn sử dụng túi chườm hoặc túi sưởi với nhiệt độ vừa phải (khoảng 40 – 45độ C) đặt lên bụng trẻ tới khi trẻ bớt đau.
Massage vùng bụng: xoa nhẹ vùng bụng cho bé cũng là cách để giảm đau hiệu quả. Cha mẹ chỉ nên xoa nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ để bé bớt đau và thấy thoải mái hơn.
Cho trẻ uống nhiều nước hơn: uống nhiều nước giúp pha loãng axit trong dạ dày khiến các vết viêm loét không bị thương tổn thêm. Tuyệt đối không nên cho bé uống nước lạnh vì dễ gây co thắt dạ dày, nên uống nước ấm và uống thành từng ngụm nhỏ.
Dùng trà gừng mật ong: với trẻ trên 2 tuổi có thể dùng ¼ thìa nước gừng pha với ½ thìa mật ong để cho trẻ uống khi bị đau.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
Theo thống kê của các chuyên gia y khoa, phần lớn trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm khuẩn HP. Bởi vậy, ưu tiên hàng đầu trong điều trị là cần tiêu diệt loại vi khuẩn này.
Một số loại thuốc thường được bác sĩ sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày ở trẻ: thuốc kháng sinh kết hợp thuốc kháng tiết axit (nhóm thuốc PPI). Thời gian điều trị kéo dài khoảng 7 tới 14 ngày tùy thuộc mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.
Phòng ngừa viêm loét dạ dày ở trẻ em
Trong và sau quá trình điều trị viêm loét dạ dày tá tràng cần cho bé ăn đúng giờ và đủ chất
Sau quá trình điều trị viêm loét dạ dày tá tràng nếu không được chăm sóc, theo dõi đầy đủ bé rất dễ bị tái bệnh. Do vi khuẩn HP lây chủ yếu qua đường tiêu hóa nên cần chú ý giữ vệ sinh cho trẻ. Thêm nữa, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ và đúng giờ, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, thực phẩm dành cho người bị đau dạ dày. Cha mẹ chú ý không cho trẻ ăn đồ cay nóng, tất cả thực phẩm cần được chế biến kỹ để đảm bảo vệ sinh. Nếu tuân thủ được những điều này thì quá trình điều trị viêm loét dạ dày tá tràng của bé sẽ đạt hiệu quả cao.