Phomai là một trong các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đối với trẻ nhỏ. Không chỉ có mùi vị hấp dẫn, phô mai còn chứa nhiều protein, canxi, kẽm, phốtpho, magie, vitamin A, B2, B12 – một sản phẩm “đa chất”, lại dễ kết hợp, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn cho bé yêu.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ bước sang độ tuổi ăn dặm (6 tháng tuổi) các mẹ hãy bổ sung cho con thêm loại thực phẩm mới này. Tuy nhiên, nhiều mẹ hiện nay vẫn chưa biết cách cho trẻ ăn phomai ra sao để có thể phát huy hiệu quả tốt nhất cho trẻ, một “mỹ vị” tuyệt vời nếu vào tay người không biết sử dụng sẽ thành vật vô giá trị.
Phomai có nhiều giá trị dinh dưỡng cho trẻ, nếu mẹ cho con ăn sai cách thì sẽ thành công cốc (Ảnh minh họa)
1. Trẻ nhận được gì khi ăn phomai?
Cung cấp canxi: Canxi là một trong các thành tố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển xương của bé. Những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa như phô mai và sữa chua là nguồn bổ sung canxi tuyệt vời cho cơ thể bé. Cùng một trọng lượng nhưng trong phô mai có chứa một lượng canxi cao gấp 6 lần trong sữa, gấp 100 lần lượng canxi có trong các loại thịt. Trong phô mai còn có chứa vitamin D, rất tốt trong việc giúp cơ thể hấp thu canxi vào xương.
Cung cấp protein: Protein là một thành phần thiết yếu cho sự phát triển của trẻ em. Nó cung cấp năng lượng và giúp cơ thể bé hình thành cơ, xương cũng như các tế bào cơ thể. Trong phô mai chứa hàm lượng protein rất cao, chiếm gần 25% tổng giá trị dinh dưỡng, được xếp vào nhóm thực phẩm giàu protein.
Chất béo: Chất béo giúp tổng hợp chất xám của hệ thần kinh, thiết lập màng tế bào, hấp thu và vận chuyển các chất dễ tan trong dầu như vitamin A, vitamin D… Trong 15g phô mai có thể cung cấp cho cơ thể tới 4,6g chất béo.
Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh: Trong phô mai chứa nhiều loại men vi sinh tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Các loại men này giúp bé hấp thu thức ăn tốt hơn, cải thiện sức khỏe.
2. Vậy các mẹ nên cho trẻ sử dụng phomai ra sao cho hiệu quả?
Phomai có nhiều công dụng lớn đối với trẻ như vậy, nếu mẹ không biết cách sử dụng sẽ là một sự lãng phí lớn. Do đó, khi cho trẻ dùng phomai các mẹ cần lưu ý những điểm sau đây:
Chọn chủng loại phù hợp
Khi chọn phomai cho bé, các mẹ nên chọn loại phomai dành cho bé dưới 1 tuổi, có hàm lượng chất béo không vượt quá 20%.
Có nhiều chủng loại phô mai gồm nhiều màu sắc và hương vị khác nhau. Loại phô mai phổ biến nhất ở VIệt Nam là phô mai được sản xuất và đóng gói thành miếng hình tam giác xếp trong hộp tròn 8 miếng. Trong khi loại phô mai tươi thì đa dạng về chủng loại tuy nhiên nó ít phổ biến hơn. Dù là phô mai tươi hay khô thì các mẹ cần xem kỹ bao bì sản phẩm nhà sản xuất và thời gian sử dụng.
Khi bắt đầu ăn nên ăn với số lượng vừa phải
Khi bé bước sang tháng thứ 6 thì ngoài việc bú sữa mẹ thì bé cần được ăn dặm thêm để cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển. Tuy nhiên khi mới bắt đầu cho trẻ ăn phomai, các mẹ chỉ nên cho ăn từng tí một sau đó quan sat phản ứng của trẻ xem có dấu hiệu bị dị ứng hay không, nếu thấy trẻ có dấu hiệu lạ thì bố mẹ cần tạm dừng cho con ăn và hỏi ý kiến bác sĩ.
Chỉ nên sử dụng phomai như một loại thực phẩm bổ sung
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều phomai, theo các bác sĩ chuyên gia chỉ nên coi phomai là một thức ăn phụ, bổ sung chứ không nên thay thế các thực phẩm chính như sữa và sữa mẹ. Bởi phô mai chứa rất nhiều chất đạm, chất béo và canxi nhưng lại không hàm chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Mẹ cần bổ xung cho bé các nguồn canxi, vitamin, khoáng chất từ các thực phẩm khác để đảm bảo chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé đồng thời bổ xung hợp lý lượng rau quả để cung cấp chất sơ chống táo bón và nguy cơ béo phì ở trẻ.
Mẹ chi nên cho con ăn phomai như một loại thực phẩm bổ sung, chứ không thể dùng thay thế các thức ăn chính (Ảnh minh họa)
Không thể kết hợp bừa bãi phomai với các thực phẩm khác
Khi nấu chung phô mai với bột, cháo của bé, mẹ nên chọn những thực phẩm phù hợp với vị phô mai như khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm. Không nên nấu chung với cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền.
Để nguội món ăn khoảng 80 độ sau đó mới cho phomai vào
Khi cho phô mai vào các món ăn, các mẹ nhớ để món ăn chín, tắt bếp, rồi để nguội khoảng 70 tới 80 độ thì các mẹ mới cho phô mai vào để không bị mất chất.
Không cho trẻ ăn phomai trước khi đi ngủ hoặc trước bữa ăn
Phomai có chứa rất nhiều chất dịnh dưỡng, nếu cho trẻ ăn trước bữa ăn sẽ khiến trẻ no bụng và bỏ bữa chính. Còn nếu cho trẻ ăn trước khi đi ngủ, trẻ sẽ khó có thể tiêu hóa được hết, dẫn đến việc khó tiêu, chướng bụng và khó ngủ. Do đó thời điểm thích hợp để cho trẻ ăn phomai trong ngày là bữa sáng hoặc trưa.
Khi chế biến phomai cùng các thực phẩm khác, cần phải biết cách tiết chế cho phù hợp
Lượng đạm trong phomai rất cao. Nếu mẹ nấu phomai chung với thịt, cá, trứng, mẹ cần điều chỉnh lượng phù hợp tùy với thể trạng từng bé (tránh trường hợp bị nhiều đạm, thừa đạm). Lúc nào bé không chịu ăn thịt, cá, mẹ chỉ cần cho bé ăn 2 viên phomai là được.
Bên cạnh đó, vi lượng chất béo trong phô mai khá nhiều nên khi nấu ăn cho bé cũng nên để ý một chút đến việc gia giảm lượng dầu ăn để tránh hiện tượng thừa chất gây nên béo phì cho trẻ.