Sống lâu và khỏe mạnh là mong muốn của mọi người. Ngoài việc ăn uống, luyện tập, có đời sống tinh thần lạc quan, một bí quyết của những người trường thọ là duy trì giờ ăn “vàng”.
Các cuộc điều tra, nghiên cứu trên thế giới đã thống kê, có một số quốc gia, tuổi thọ trung bình của con người cao nhất thế giới. Đứng đầu là Monaco, ở đây người dân có tuổi thọ trung bình là 89,73 tuổi, kế đến là Ma Cao, Nhật Bản, Singapore, Italia, Australia… đều là các quốc gia đứng trong top 10.
Tuy nhiên. đi sâu nghiên cứu, người ta thấy, nếu không tính theo quốc gia, và vùng lãnh thổ, có một số vùng đất ở những quốc gia đó tuổi thọ của con người cao “ngất ngưởng”…
Đó là những vùng mà người dân sống lâu nhất thế giới như Hunza ở Pakistan, Vilcabamba ở Ecuador, Lona Lima ở Mỹ, Ovoda hoặc Campodimele ở Italia hay Okinawa ở Nhật Bản…
Tại sao lại như vậy? Có bí quyết gì mà con người ở những vùng đất đó lại sống lâu đến thế? Các nghiên cứu đã chỉ ra, sở dĩ con người sống lâu là do chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhiều rau xanh, hoa quả, tinh thần lạc quan vui vẻ và có một chế độ luyện tập hợp lý. Những người ở những vùng đất đó thường có một lối sống đơn giản, hòa hợp với thiên nhiên, đất trời…
Một trong những “bí quyết” đã trở thành phong cách sống của những người trường thọ là chế độ dinh dưỡng. Nó không chỉ là những loại thực phẩm gì được đưa vào cơ thể mà còn là cách đưa vào cơ thể như thế nào, ở thời điểm nào để duy trì sức khỏe tốt nhất. Dưới đây là một sự trùng hợp trong phong cách sống của những người dân ở những vùng đất được mệnh danh có nhiều người “bách niên giai lão” nhất.
Phương pháp dưỡng sinh Ayurveda
Phương pháp dưỡng sinh chữa bệnh của người Ấn Độ có từ hàng nghìn năm trước, có tên gọi Ayurveda. Đây là phương pháp cổ truyền nhưng đã được khoa học chứng minh là có hiệu quả, nên nó được gọi là khoa học giúp con người sống khỏe mạnh và trường thọ.
Những người dân ở Hunza, Campodimele thường áp dụng theo lối sống như vậy. Họ ở trên những vùng đất xa xôi, hẻo lánh, thậm chí có địa hình hiểm trở, đòi hỏi con người ở đây phải leo trèo, vận động thường xuyên.
Do vậy, dù đã có tuổi, người dân ở Hunza hầu như rất khỏe mạnh, ít bệnh tật. Họ không có nhiều lương thực thực phẩm mà hầu hết là tự cung tự cấp, chủ yếu là rau quả, còn các loại thịt động vật hầu như không có.
Theo thuyết Ayurveda, bữa trưa là bữa quan trọng nhất trong ngày, là khi đồng hồ sinh học trong cơ thể mỗi người hoạt động hiệu quả nhất. Có thể nạp năng lượng cho cơ thể vào những thời điểm như sau:
– Ăn sáng: thời gian lý tưởng là từ 9 -10h, sau khi tập thể dục và ngồi thiền. Thời điểm này ánh sáng rõ, mặt trời đã lên cao, cũng là khi cơn thèm ăn của bạn bắt đầu sau một đêm dài.
– Ăn trưa: thời gian lý tưởng cho bữa trưa là tầm 12h30. Đây là bữa ăn chính theo thuyết Ayurveda, bữa ăn này có thể ăn các loại thực phẩm khó tiêu hóa như sữa, các loại hạt và thịt ….
– Bữa phụ: thời gian lý tưởng là 15-16h, bữa ăn này có thể ăn các loại trái cây, hạt hoặc trà, bữa ăn này có thể “kiềm chế” sự thèm ăn trong bữa tối, phòng tránh béo phì.
– Ăn tối: Thời điểm nên ăn tối càng sớm càng tốt. Theo quan niệm cổ truyền Ấn Độ, ăn uống thường gắn với ánh sáng mặt trời bởi nó có liên quan tới sự tiêu hóa thức ăn.
Sống hòa hợp với tự nhiên
Không chỉ là vấn đề thực dưỡng, mỗi đất nước, có những quan niệm khác nhau về ăn uống. Với lối sống và văn hóa của người phương Tây và phương Đông nói chung, bữa ăn quan trọng nhất trong ngày là bữa tối, khi xum họp gia đình. Nhưng trong một thời gian dài, khoa học hiện đại luôn khuyến khích mọi người coi bữa ăn sáng là quan trọng nhất, mặc dù một số nghiên cứu thời gian gần đây đã bác bỏ điều này.
Ăn uống khoa học cho rằng chỉ nên bắt đầu ngày mới với một bữa ăn sáng nhẹ, mọi năng lượng nạp vào nên tập trung vào bữa trưa.
Thực tế đã chứng minh, những người có tuổi thọ cao nhất (từ 100 tuổi trở lên) thường sống trong sự hòa hợp với các mùa và chu kỳ của thế giới tự nhiên. Đó là sự hòa hợp của không gian, thời gian, sự tương đồng giữa không khí, đất, nước và lửa (hơi ấm).
Vào buổi trưa, khi năng lượng đất trời đã ở đỉnh điểm, từ khoảng 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, con người có thể ăn nhiều hơn và đốt được nhiều năng lượng hơn các bữa khác. Vì thế không sinh ra bệnh tật, béo phì.
Nếu các nguồn thực phẩm nạp vào cơ thể không biến thành năng lượng nó sẽ có khả năng tích tụ, sinh ra bệnh tật như các bệnh viêm khớp, táo bón, hội chứng ruột kích thích, thậm chí ung thư…
Vào buổi tối, không nên ăn nhiều bởi đây không phải là thời điểm tốt để tiêu hóa thức ăn. Nếu một bữa ăn tối quá kềnh càng sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi, không thể thực hiện được những chức năng quan trọng vào buổi đêm như giải độc gan, tái tạo mô, lưu trữ ở não…
Sống phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể, môi trường chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa trường sinh bất lão. Thay đổi nhịp điệu tự nhiên của cơ thể vô hình chung sẽ tác động đến sức khỏe của bản thân.
Một trong những bí quyết mà những người sống trên trăm tuổi chia sẻ là họ không dùng nước đá, đồ uống của họ thường là nước ở nhiệt độ phòng, hay một ngụm trà ấm, các loại đồ uống chế biến sẵn họ còn chưa bao giờ biết đến.
Về vấn đề sinh hoạt, những người sống thọ thường có chế độ vận động hợp lý, thậm chí họ vận động rất nhiều, nó đã ăn sâu vào lối sống của bản thân con người vùng đất đó. Như vậy với ăn uống, vận động, và một lối sống giản đơn, những con người ở xa các khu vực khoa học kỹ thuật tiên tiến đang có được tuổi thọ mà nhiều người hiện đại mơ ước.