Bé Sóc, con gái chị Thu Phương (sinh năm 1989, hiện sinh sống ở Hà Nội) đang độ tuổi ăn dặm. Mới hơn 10 tháng tuổi nhưng không chỉ ăn cháo, ăn bột như những em bé cùng lứa, Sóc còn được mẹ cho ăn theo phương pháp Baby led weaning và có thể ăn được rất nhiều món ăn nguyên miếng khác nhau như bơ, cà rốt, măng tây, thịt gà, cơm nắm, mì sợi, tôm sú…Đặc biệt, chị Thu Phương tiết lộ, Sóc rất thích ăn bánh mì.
“Sóc nhà mình rất thích ăn bánh mỳ, cho ăn bánh mỳ là ăn nhiệt tình và xé nhiệt tình. Nhưng mua ở ngoài thì không yên tâm lắm nên mình mày mò tìm công thức làm bằng sữa mẹ cho Sóc. Công thức làm bánh mì sữa mẹ của mình ngoài việc thay nước bằng sữa mẹ thì còn không có trứng nên đảm bảo ngay cả những em bé dưới 1 tuổi như Sóc nhà mình vẫn có thể ăn được”, chị Thu Phương cho biết.
Từ món bánh mì sữa mẹ làm ra, chị Thu Phương có thể cho con ăn trực tiếp hoặc làm soup ăn dặm bữa sáng, làm bữa phụ vào buổi chiều đều thích hợp.
Cách làm món bánh mì sữa mẹ của chị Thu Phương:
Nguyên liệu:
– 120 gram sữa mẹ
– 20 gram đường
– 5 gram men instant
– 205 gram bột bánh mì
– 2 gram muối
– 15 gram dầu ăn
Các bước thực hiện:
1.
– Nếu sữa mẹ mới vắt thì có thể đổ ngay vào men vì nhiệt độ sữa mẹ phù hợp để kích hoạt men.Con nếu sữa rã đông thì hâm như bình thường cho con ăn. Nhiệt độ thích hợp để giải phóng men là 35-45 độHòa tan đường và men trong sữa mẹ.
– Men tốt sẽ nở bung và tạo mảng trên mặt sữa mẹ, lấy thìa gạt có thể thấy bọt khí
Men tốt sẽ nở bung và tạo mảng trên mặt sữa mẹ, lấy thìa gạt có thể thấy bọt khí
2.
– Cho dầu ăn, muối và sữa mẹ có đường và men vào âu trộn. Dùng thìa gỗ quấy đều.
– Chia bột làm 2-3 phần, cho từng phần vào âu, dùng thìa gỗ quấy đều sau mỗi lần thêm bột, đến khi có một khối bột nhão và dính.
3. Nhồi bột:
– Đổ bột ra mặt bàn có phủ một lớp bột áo mỏng.
– Nhào bột trong khoảng 15 phút
– Dùng lòng bàn tay miết và kéo bột ra phía trước, vun bột và lặp đi lặp lại động tác đó đến khi bột đạt
– Bột đạt là khối bột dẻo mịn, đàn hồi, không dính tay
4. Ủ bột (lần 1):
– Dùng một chiếc âu hoặc bát to, quét 1 lớp dầu ăn mỏng lên đáy và thành âu.
– Cho khối bột vào âu, lật mặt khối bột để dầu ăn bao đều quanh cả khối bột. Dùng khăn ẩm hoặc nilon bọc kín âu.
– Ủ bột ở nhiệt độ phòng (25 – 32 độ C) đến khi bột nở gấp đôi.
– Không có thời gian ủ cố định vì tùy theo nhiệt độ ủ mà bột có thể nở nhanh hay chậm. “Bột nở lớn gấp đôi” là căn cứ tốt nhất. Ngoài ra, các bạn có thể kiểm tra bột ủ đạt bằng cách dùng 2 ngón tay cắm vào khối bột, sâu khoảng 1-2cm, nếu vết lõm giữ nguyên là bột đã ủ đủ, nếu vết lõm phồng trở lại thì cần phải ủ thêm
Bột ủ ban đầu
Nở ra gấp đôi sau khi ủ ở nhiệt độ phòng.
5.
Sau khi bột đã nở gấp đôi thì dùng mu bàn tay để “đấm” nhẹ hay ép nhẹ cho khí trong khối bột thoát ra ngoài. Lấy bột ra, nhào bằng tay lại sơ qua trong khoảng 1-2 phút.
6.
– Gập 1/3 miếng bột, rồi tiếp tục gập đến hết. Sau đó có thể tiếp tục gập đôi, hoặc xoay miếng bột và gập tiếp theo chiều dọc cuộn lại cho vào khuôn
7.
Ủ bột lần 2: Ủ bột ở nơi ấm áp & ẩm, đến khi bột nở gấp đôi. Mình ủ trong lò nướng và đặt thêm 1 cốc nước sôi để giữ ẩm, tránh cho mặt bánh bị khô
Khi bột nở khoảng 70-80% thì bật lò ở nhiệt độ 170 độ C (lò nướng cần tối thiểu 10 phút để làm nóng nên khi lò đủ nóng thì bánh cũng ủ vừa đạt)
8.
Nướng bánh ở 170 – 175 độ C trong khoảng 25-30 phút, hoặc lâu hơn nếu làm bánh to, đến khi bánh chín vàng mặt. Nếu mặt bánh vàng sớm thì có thể dùng giấy bạc che cho mặt bánh khỏi bị cháy. Không nên chữa bằng cách nướng ở nhiệt độ thấp vì có thể sẽ làm cho vỏ bánh bị dày.
9.
Bánh chín để lên khay cho nguội hẳn rồi mới cắt lát (cắt khi bánh chưa nguội hẳn sẽ dễ làm bánh bị bết, dai, dính).
Bánh không ăn hết bảo quản tủ đá, khi nào ăn nướng lại vẫn thơm ngon!