Tái khám để bác sĩ đánh giá được tổng trạng sức khỏe bệnh nhân sau một khoảng thời gian điều trị, để biết được hiệu quả dùng thuốc, cơ địa bệnh nhân đáp ứng với thuốc tốt không, có cần chỉnh liều hay thay đổi gì không…
Ông Nguyễn Văn Lữ trú tại Gia Lâm, Hà Nội đến khám tại bệnh viện 108 khi tình trạng bệnh đã nặng. Theo như hồ sơ bệnh án, bác sĩ khám lần trước có ghi ông nên tái khám sau 1 tháng nhưng đến nay gần 1 năm bệnh nhân mới tái khám.
Bệnh nhân bị cao huyết áp, mỡ máu và phải theo dõi bệnh mạch vành. Dù đã khuyến cáo nhưng về nhà, ông Lữ cho rằng người già ai chẳng có bệnh. Sau khi uống thuốc thấy người khỏe hơn nên ông đã không đi khám lại. Đến nay khi bệnh nặng hơn, ông cũng không muốn đến bệnh viện mà cứ dùng tạm mấy viên thuốc cao huyết áp mua ở hiệu thuốc. Khi bước chân run rẩy bước không nổi, con cái đưa ông đi viện ông vẫn không đồng ý. Con gái và con trai ông phải ép ông lên xe và chở thẳng vào viện ông mới chịu ngồi yên chờ bác sĩ đến khám.
Trường hợp của em Nguyễn Văn Hữu 16 tuổi trú tại Sơn tây, Hà Nội đang điều trị mụn trứng cá. Hữu đã được bác sĩ kê đơn và hẹn một tháng sau khám lại nhưng em không thực hiện dù thấy không đỡ mụn. Kết quả, ba tháng sau đến khám mặt Hữu bị nhiễm trùng do mụn. Bác sĩ hỏi vì sao Hữu không đến khám thì em cho biết không thấy đỡ nên chẳng có nhu cầu khám lại.
Ông Trần Đình Lương trú tại Thường Tín, Hà Nội cũng tương tự. Ông Lương bị tiểu đường nên phải theo dõi. Ông đã điều trị tại bệnh viện được 2 tháng nhưng không điều trị tiếp vì thấy sức khỏe tốt hơn. Dù bác sĩ cho biết 1 – 3 tháng ông nên đi kiểm tra một lần nhưng ông bỏ qua không đi khám. Kết quả hơn 1 năm sau tiểu đường biến chứng vào suy thận khiến ông phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần.
Ông Lương ân hận vì ngại chờ đợi khám bệnh, không theo dõi bệnh thường xuyên dẫn đến giờ đây ông phải sống lệ thuộc vào bệnh viện đến lúc chết.
Hết rên quên bác sĩ
Đó là câu nói tưởng chừng như đùa của các bác sĩ nhưng thực chất tại các bệnh viện rất nhiều bệnh nhân như thế. PGS Lê Xuân Trường- Viện Tim Mạch – Bệnh viện 108 tâm sự, hàng ngày ông gặp rất nhiều bệnh nhân đến tái khám sau vài tháng bệnh nặng hơn dù lúc đó bác sĩ đã ghi trong đơn hoặc sổ khám bệnh, hẹn tái khám sau 1 tuần, 1 tháng hoặc 3 tháng. Song hầu hết, khi bệnh nhân hết đau, khỏe hơn là quên luôn bác sĩ.
Bác sĩ Trường cho biết dù nhiều bệnh nhân, các y tá của bệnh viện phải xem lại danh sách và gọi điện xem họ có đến khám lại không song số người đến khám lại rất ít.
Có những bác sĩ đã thốt lên rằng chẳng có bác sĩ nào rảnh rỗi đến mức hẹn bệnh nhân tái khám là để vào nhìn mặt nói chuyện chơi cho vui.
Theo các bác sĩ việc tái khám luôn có ý nghĩa quan trọng. Tái khám để bác sĩ đánh giá được tổng trạng sức khỏe bệnh nhân sau một khoảng thời gian điều trị, để biết được hiệu quả dùng thuốc, cơ địa bệnh nhân đáp ứng với thuốc tốt không, có cần chỉnh liều hay thay đổi gì không…
Tái khám đôi khi cũng giúp bác sĩ kiểm soát bệnh tốt hơn hoặc phát hiện những biến chứng kịp thời. Bác sĩ không phải là thần thánh. Bất cứ bệnh gì cũng cần phải chẩn đoán, điều trị, thăm dò, theo dõi, đánh giá, tích lũy kinh nghiệm… Tiếc rằng một số bệnh nhân không ý thức được mức độ cần thiết của việc tái khám theo hẹn, thấy bệnh giảm hay dứt là khỏi tái khám luôn.
Nhiều trường hợp đi tái khám lúc ấy bệnh đã thuyên chuyển hướng khác, nặng hơn, việc điều trị lại khó khăn hơn.
PGS Trường nhấn mạnh bệnh nhân đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính phải thường xuyên tái khám theo lịch của các bác sĩ.