Nguyên tắc để hình thành nếp ngủ ngoan cho trẻ nhỏ nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng chính là việc lặp đi lặp lại những hoạt động trong khoảng thời gian bố mẹ đưa bé đi ngủ. Những hành động ngày nào cũng được thực hiện vào đúng khoảng thời gian đó sẽ giúp bé nhận ra đó là tín hiệu cho giấc ngủ, kích thích bé rơi vào giấc ngủ dễ dàng và có giấc ngủ lâu, ngủ sâu hơn.
Làm tuần tự theo 4 bước dưới đây, ngày qua ngày, bé yêu sẽ hình thành nếp ngủ cực ngoan, không còn khiến bố mẹ phải thao thức cả đêm nữa:
Bước 1: Đưa bé đi tắm
Hãy bắt đầu trình tự ngủ của bé bằng việc đưa bé đi tắm hoặc lau người. Được mẹ vỗ về và mát xa nhẹ nhàng trong làn nước ấm sẽ giúp bé cảm thấy thư thái, dễ chịu, kết thúc chuỗi hoạt động của một ngày dài. Sau khi tắm hoặc lau người xong, hãy mặc cho bé bộ đồ dành riêng khi đi ngủ để bé được thoải mái nhất. Tuy nhiên, lưu ý không nên tắm quá muộn cho trẻ vào buổi tối vì bé sẽ dễ bị cảm lạnh.
Bước 2: Chuẩn bị không gian ngủ
Sau khi tắm cho bé xong, hãy đưa bé vào căn phòng đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc ngủ: hạn chế ánh sáng ( phòng bật đèn sáng sẽ ức chế quá trình sản sinh hooc môn ngủ melatonin, khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hơn), hạn chế tiếng ồn (để tạo không gian yên tĩnh và thư giãn), giúp em bé nhanh chóng buồn ngủ.
Nguyên tắc để hình thành nếp ngủ ngoan cho trẻ nhỏ nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng chính là việc lặp đi lặp lại những hoạt động trong khoảng thời gian bố mẹ đưa bé đi ngủ. (Ảnh minh họa)
Bước 3: Cho bé bú sữa
Bé không được ăn đủ sẽ có xu hướng thức dậy vào giữa đêm vì đói. Vì thế, mẹ nên cho con bú sữa trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, hạn chế để bé ăn quá no, gây khó tiêu và mất ngủ.
Bước 4: Biến khoảng thời gian đi ngủ trở nên “đặc biệt”
Thực hiện những hoạt động “đặc biệt”, chỉ có khi ngủ sẽ hình thành trong não trẻ nhận thức về nếp ngủ quen thuộc. Hãy kể cho bé nghe một câu chuyện ngắn hoặc hát ru nhè nhẹ cho bé nghe. Lưu ý cần kể hoặc hát thật chậm rãi và nhẹ nhàng, thủ thỉ, ngân nga để bé từ từ rơi vào trạng thái êm dịu, dễ ngủ. Một số hoạt động khác để biến thời gian đi ngủ trở nên “đặc biệt” có thể là: ôm hôn bé trước khi đi ngủ, nói với bé câu chúc ngủ ngon, đặt một món đồ chơi mà bé yêu thích ở bên cạnh bé (khi nào bé đã rơi vào trạng thái ngủ say, bố mẹ có thể bỏ món đồ chơi đó ra để đảm bảo không xảy ra nguy cơ bé bị ngạt thở vì đồ chơi đè vào)