Nhiều phụ huynh cho rằng lượng vắc xin bé tiêm trong năm đầu đời đã đủ để phòng chống các loại bệnh. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Dù trong năm đầu đời, trẻ đã được tiêm rất nhiều mũi vắc xin phòng bệnh khác nhau, nhưng câu chuyện tiêm chủng vẫn phải được tiếp nối ngay cả khi bé đã tròn 1 tuổi.
Vì sao cha mẹ phải đưa bé đi tiêm ngừa sau một tuổi?
Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng lịch tiêm chủng dày đặc của chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm đầu đời là đã quá đủ để bảo vệ bé khỏi những dịch bệnh thường bùng phát theo mùa. Tuy nhiên, trên thực tế, các bé trên một tuổi vẫn cần được tiêm vắc xin đúng loại, đúng thời điểm để tăng cường sức đề kháng khỏi những căn bệnh thường gặp ở trẻ như sởi, thủy đậu, rubella, quai bị …Lý do là bởi vì khi bé càng lớn, hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ sẽ giảm dần khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang so với những tháng mới sinh. Do đó, bé cần phải được tiêm nhắc hoặc phải tiêm ngừa một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sau 1 tuổi như sởi – quai bị – rubella, thủy đậu…
Ảnh minh họa: Trẻ em – Đối tượng dễ lây nhiễm của những dịch bệnh theo mùa như sởi –quai bị -rubella
Một lý do khác khiến các ông bố bà mẹ thường chủ quan về lịch tiêm vắc xin cho bé xuất phát từ việc các mũi tiêm chủng sau năm đầu đời thường là tiêm dịch vụ. Khác với chương trình tiêm chủng mở rộng khi các mũi tiêm được ấn định bắt buộc trong sổ khám sức khỏe hoặc sổ tiêm chủng của bé, các mũi tiêm dịch vụ không bắt buộc khiến nhiều người nghĩ rằng không tiêm cũng không sao. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì tiêm nhắc lại mũi thứ 2 có thể củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh hơn cho trẻ lên tới 90-95% so với công dụng bảo vệ 80-85% nếu chỉ tiêm một lần trước 1 tuổi. Ngoài ra, tiêm vắc xin đúng lịch phòng các dịch bệnh theo mùa cũng giúp tạo sức đề kháng tốt hơn cho trẻ trước tâm dịch.
Đừng chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe của bé
Khi bé trên một tuổi, ngoài những bệnh nghiêm trọng như viêm não Nhật Bản, viêm màng não do mô cầu, viêm gan.., các dịch bệnh theo mùa như sởi – rubella – quai bị, thủy đậu cũng đem lại ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của bé. Đáng chú ý, đây lại là những căn bệnh thường có nguy cơ xảy ra vào thời điểm mà bố mẹ ít đề phòng nhất: sau dịp Tết Nguyên đán (tháng 3-4 hàng năm) bên cạnh dịch bệnh mùa hè thông thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch Sởi năm 2014 bùng phát khó kiểm soát, khiến nhu cầu tiêm vắc xin tăng cao đột biến và lượng vắc xin sởi thiếu hụt bất ngờ. Để giữ bé yêu nằm ngoài “vòng vây” của những căn bệnh này, phụ huynh hãy chủ động liên hệ và cho bé tiêm vắc xin phòng bệnh ngay trước khi dịch bệnh diễn ra.
Bố mẹ nào cũng yêu thương và chăm lo cho con mình về cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng hãy yêu thương một cách khoa học khi chủ động ngăn ngừa những nguy cơ dịch bệnh sớm cho bé bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Tiến sĩ Cao Hữu Nghĩa – trưởng khoa LAM Viện Pasteur TPHCM chia sẻ: “Đừng chủ quan vì bé trên một tuổi vẫn cần phải tiêm vắc xin đầy đủ để hệ miễn dịch có thể được “xây dựng” và phòng bị sẵn sàng trước mùa dịch đến, nhất là trong những giai đoạn thời tiết chuyển mùa như tháng 3-4 sau khi mùa lạnh kết thúc. Vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhỏ cần ít nhất 2-3 tuần để có hiệu lực tốt. Do đó, bố mẹ hãy cho bé tiêm chủng sớm trước khi mùa dịch diễn ra để kịp tạo kháng thể và chủ động tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh.”
Ảnh minh họa: Hãy chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sớm để bé yêu không phải vật vã vì nhưng cơn nóng sốt, phát ban do dịch bệnh gây ra